Bà Rịa – Vũng Tàu: Bất thường tại dự án đồi Ngọc Tước 2 do Hodeco làm chủ đầu tư

(Xây dựng) – Là hộ gia đình đang sử dụng đất hợp pháp từ năm 1990, bỗng dưng “một ngày đẹp trời” đất bị thu hồi giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án mà cả gia đình đều không nhận được thông báo.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Bất thường tại dự án đồi Ngọc Tước 2 do Hodeco làm chủ đầu tư
Theo gia đình bà Bùi Thị Nghì, đất đang tranh chấp nhưng phía Hodeco đã cho máy móc, thiết bị vào thi công.

Đang bình yên thì bị tranh chấp

Theo bà Phạm Thị Thu Trang (con gái bà Bùi Thị Nghì, ngụ tại phường 8, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), năm 2003, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyết định thu hồi đất trên đồi Ngọc Tước thuộc phường 8, thành phố Vũng Tàu để giao cho Công ty Cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa Vũng Tàu – Hodeco đầu tư xây dựng Khu biệt thự đồi Ngọc Tước 2.

Thời điểm đó, bà Bùi Thị Nghì và gia đình đang sử dụng hơn 26 nghìn m2 đất tại khu vực này từ những năm 1990, nguồn gốc đất này vốn là đất khai hoang trước năm 1975. Trước đây, diện tích đất này thuộc quyền sử dụng của bà Võ Thị Định và ông Đỗ Minh Đức. Năm 1976, ông Đức và bà Định được Phòng Nhà đất thị xã Vũng Tàu công nhận và đưa tên vào “Sổ đăng ký đất” số 126 ngày 12/5/1976 và 132 ngày 19/6/1976.

Ông Đức và bà Định sử dụng đến ngày 16/2/1990 thì ủy quyền sử dụng đất lại cho gia đình bà Nghì. Ngày 26/2/1992, ông Đức và ông Định làm chuyển nhượng thành quả lao động, kết quả đầu tư cho bà Nghì tiếp tục canh tác và sử dụng (Việc chuyển nhượng được UBND phường 8 xác nhận).

Đất canh tác ổn định, không có tranh chấp, người sử dụng cũng thực hiện đóng thuế đất đầy đủ, nên năm 1993, bà Nghì làm đơn xin đăng ký đất gửi phường 8 nhưng không được giải quyết vì lý do phần đất của gia đình bà chồng lấn với bản đồ thiết kế trồng rừng năm 1984 của ngành Lâm nghiệp.

Có lẽ, cũng bởi vì đất chồng lấn nên tháng 2/1996, ông Tạ Phú Thịnh (ngụ phường 10, thành phố Vũng Tàu) đã vào đất của bà Nghì trồng trụ bê tông và yêu cầu gia đình bà trả lại khu đất trên. Theo ông Thịnh, ông được Ban Quản lý dự án rừng 732 ký hợp đồng số 223 về việc bảo vệ rừng, gây rừng phòng hộ bãi sau ven biển với diện tích 2ha. Việc giao khoán trồng rừng từ năm 1995 đến năm 2045.

Sau sự vụ tranh chấp, gia đình bà Nghì làm đơn gửi UBND phường 8 kiến nghị về việc giao hợp đồng khoán bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ cho ông Tạ Phú Thịnh nằm một phần trên khu vực đất mà bà đang canh tác sử dụng ổn định. Đồng thời, bà cũng yêu cầu Ban Quản lý rừng 732 hủy hợp đồng giao khoán, bảo vệ rừng với ông Tạ Phú Thịnh và đề nghị thành phố Vũng Tàu cấp quyền sử dụng hơn 26 nghìn m2 đất tại đồi Ngọc Tước, phường 8 cho gia đình bà.

Sau đó, UBND phường 8 chuyển đơn đến Ban Quản lý rừng 732 và thành phố Vũng Tàu giải quyết. Theo Ban Quản lý dự án rừng 732, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước năm 1995, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao cho Ban thực hiện chương trình 732, trong đó có 20ha thuộc khu vực đồi Ngọc Tước, tại lô E2, khoảnh 1. Ban Quản lý rừng 732 có ký hợp đồng khoán rừng với ông Tạ Phú Thịnh.

Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án 732 khẳng định không phải chủ thể tranh chấp phần đất với bà Bùi Thị Nghì. Nếu bà Nghì được cơ quan có thẩm quyền cấp chủ quyền phần đất trên thì Ban sẽ thu hồi và thanh lý hợp đồng với ông Thịnh theo quy định.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Bất thường tại dự án đồi Ngọc Tước 2 do Hodeco làm chủ đầu tư
Không những thế, biệt thự đã được xây dựng gần hoàn chỉnh.

“Giông bão” ập tới tiếp

Sau đó, Hợp đồng trồng rừng được hủy, nhưng đến ngày 29/10/2003, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyết định thu hồi 176 nghìn m2 đất (trong đó có hơn 26 nghìn m2 đất của bà Nghì) giao cho Hodeco đầu tư dự án Khu biệt thự đồi Ngọc Tước 2.

Bà Nghì cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như bà bị xâm phạm. Việc Hodeco thực hiện dự án trên mà gia đình bà không nhận được thông báo thu hồi đất, đền bù, bố trí tái định cư là không đúng với quy định của pháp luật về đất đai.

Quá bức xúc, gia đình bà Nghì tiếp tục gửi đến đến chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được giải quyết theo quy định.

Chính vì thế, đầu tháng 1/2022, sau khi nhận đơn kiến nghị của bà Nghì, Tổng cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật để tránh khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp và trả lời cho bà Nghì biết.

Cũng ở thời điểm đó, theo gia đình bà Nghì, trong 1 đêm, Hodeco đã đưa người và phương tiện san ủi hàng trăm cây điều, tràm trên khu vực đồi Ngọc Tước 2. Việc đốn hạ hàng trăm cây ngay trong đêm đã gây bức xúc đến đỉnh điểm nên gia đình bà Nghì đã có đơn gửi tới Ban Nội chính Tỉnh ủy yêu cầu ngăn chặn việc Hodeco đưa máy móc, thiết bị vào đất của bà để san ủi. Ban Nội chính đã chuyển đơn đến Ban Tiếp công dân thành phố Vũng Tàu để xử lý đơn thư theo quy định và thông báo kết quả đến Tỉnh ủy.

Luật sư nói gì?

Trao đổi với Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với trường hợp của bà Bùi Thị Nghì là người sử dụng đất hợp pháp nhưng việc thực hiện giải quyết chưa đúng quy định pháp luật (vì đã thu hồi đất năm 2003 nên chỉ dùng luật từ năm 1993).

Về việc sử dụng đất, theo Điều 2 Luật Đất đai năm 1987, Điều 5 Luật Đất đai 1993, Điều 123 Luật Đất đai 2003 quy định, chính sách khuyến khích khai hoang được Nhà nước khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào các việc sau đây: “Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng”. Như vậy, ông Đức và ông Định (sau này là bà Nghì) là việc sử dụng đất hợp pháp, không vi phạm pháp luật và được Nhà nước khyến khích nên được các văn bản pháp luật bảo vệ.

Với trường hợp sử dụng đất khai hoang từ trước năm 1973 này, theo khoản 1 Điều 2 Luật Đất đai 1993 quy định, người sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 04/2000NĐ-CP ngày 11/02/2000 quy định rõ các trường hợp không có giấy tờ theo quy định nhưng sử dụng ổn định thì cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

Như vậy, việc cơ quan Nhà nước quy hoạch diện tích đất của người dân đang sử dụng thành rừng phòng hộ và vẫn chưa thu hồi đất, bồi thường cho người dân nên diện tích đất này vẫn thuộc người dân sử dụng. Cũng chính vì vậy mà Ban Quản lý dự án rừng 732 ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với ông Thịnh nhưng Ban Quản lý dự án rừng 732 vẫn chưa được cơ quan Nhà nước bàn giao quản lý thực địa nên phải hủy hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng.

Đến năm 2003, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyết định thu hồi 176 nghìn m2 đất, trong đó có 26 nghìn m2 đất của bà Nghì nhưng chưa thực hiện chính sách bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất nên Nhà nước chưa quản lý đất, chưa tiến hành cưỡng chế thu hồi đất nên khu đất vẫn đang do bà Nghì quản lý sử dụng. Do đó, hành vi xâm phạm đến tài sản gắn liền với đất do bà Nghì tạo lập, quản lý là hành vi hủy hoại tài sản theo quy định Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) – Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Với vụ việc trên, cơ quan Công an cần điều tra làm rõ và có hướng xử lý kịp thời nghiêm minh để ổn định an ninh trật tự và bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích