Vĩnh Phúc: Cụm đình Hương Canh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt
(Xây dựng) – Sáng 5/3, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) công bố quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt – Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh.
Các đại biểu tham dự chương trình. |
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Minh Trung – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Bình Xuyên là vùng đất cổ có từ lâu đời, đã được quốc sử nêu danh từ thời nhà Trần, thế kỷ XIII. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, con người và vùng đất Bình Xuyên vẫn luôn thể hiện sức sống mãnh liệt của mình cùng với sự trường tồn của dân tộc. Nơi đây, từng có một Bình Lệ Nguyên (vùng Hương Canh – Đạo Đức ngày nay), nổi danh ngàn đời với trận chiến do Vua Trần Thái Tông đích thân chỉ huy quan quân chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên – Mông vào năm 1258. Nơi đây cũng chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc mãi lưu truyền cho hậu thế. Bình Xuyên ngày nay đang vươn lên mạnh mẽ, xứng danh là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng.
Ông Nguyễn Minh Trung – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên phát biểu khai mạc chương trình. |
Lịch sử đã sang trang, nhưng di sản văn hóa mãi được kết tinh trong đời sống, trong các công trình kiến trúc, các di tích lịch sử văn hóa cộng đồng đã trở thành truyền thống quý báu của con người, là niềm tự hào, niềm động viên khích lệ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của huyện.
Trên địa bàn huyện hiện nay có 203 di tích, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh được xếp hạng. Đặc biệt ba ngôi đình của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh đều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Các đình tọa lạc tại vị trí cách nhau từ 100-300m, tạo thành quần thể di tích hoành tráng, kề sát Quốc lộ 2A, thuận lợi cho tham quan du lịch và hành hương.
Hàng năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về, lễ tế đình ngày 14/2 âm lịch được tổ chức tại cụm di tích lịch sử văn hóa đình làng nhằm lưu giữ những tinh hoa văn hóa của dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Bằng sức sáng tạo, các thế hệ nhân dân thị trấn Hương Canh đã nối tiếp nhau xây đắp, giữ gìn một di sản văn hóa được kết tinh bởi trí tuệ, bản lĩnh, tâm hồn và nhân cách Việt Nam, in đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa dân tộc.
Khi xưa, Hương Canh được xác định là cái nôi của văn hóa lễ hội, thể thao cổ truyền như các trò diễn dân gian, đặc sắc hơn cả là trò chơi kéo song nổi tiếng diễn tả lại việc thao luyện thủy quân của Ngô Vương Quyền trên khúc sông Cà Lồ, làm tiền đề cho chiến công hiển hách đánh thắng quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng năm 938 còn tồn tại và phát huy giá trị nhân văn tới ngày nay.
Đặc biệt, Hương Canh còn được biết đến với sự nổi tiếng của ba ngôi đình làng thờ các vị thành hoàng làng. Ba ngôi đình: Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh là các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho hệ thống đình làng Bắc bộ, không chỉ là niềm tự hào của người dân Hương Canh, mà còn là Di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá của huyện Bình Xuyên và của tỉnh Vĩnh Phúc.
Huyện Bình Xuyên tổ chức công bố quyết định và đón nhận Di tích quốc gia đặc biệt cụm đình Hương Canh. |
Có thể thấy, trong tiến trình phát triển, huyện Bình Xuyên nói chung và thị trấn Hương Canh nói riêng, đã luôn quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội; Bảo tồn phát huy và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử từ ngàn đời của cha ông để lại.
Những kết quả này minh chứng bằng thành tích, cụm đình Hương Canh được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1649/QĐ-TTg, ngày 29/12/2022 công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên chia sẻ: Ba ngôi đình của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh đều được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và đến nay rất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Đình Hương Canh được gia công, thể hiện nhiều hơn về trang trí, chạm trổ. Đình tọa lạc ở phía Nam thị trấn Hương Canh, mặt tiền hướng Tây Nam, nhìn ra hồ Điếm Lang, đấu trường kéo song và sông Cầu Treo. Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, gần 300 năm nay, đình Hương Canh vẫn đứng đó như thách thức với nắng mưa, chống chọi với thiên nhiên về bộ mái đồ sộ. Lợp bằng ngói mũi hài, mái đình được xếp đặt một cách thứ tự theo kiểu đóng ốc vảy rồng, rất chặt chẽ, phẳng đẹp. Bờ nóc đình được đắp thẳng ke, các đầu đao cong vút. Toàn bộ mái đình trông như một cánh diều khổng lồ đang động đậy, sắp sửa bay lên không trung.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng huyện Bình Xuyên. |
Về mặt bằng, đình Hương Canh có bố cục 3 tòa kiến trúc, gồm phương đình, đại bái và hậu cung. Phương đình 2 tầng 8 mái. Lớp mái trên cách mái dưới khoảng 1m, tạo khoảng trống cho không khí thoát ra. Phương đình có chiều ngang 8m20, sâu 4m, chia làm 3 gian. Tòa đại bái có 5 gian 2 dĩ, chiều ngang 26m, chiều dọc 14m, gồm 48 cột. Được xây dựng với kỹ thuật điêu luyện, kiến trúc độc đáo, mỹ thuật trang trí nội thất có nội dung sâu sắc, sinh động, đình Hương Canh là nơi gửi gắm những tình cảm thiêng liêng, những ước mơ cao đẹp, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta.
Góp phần tạo nên cụm di tích là đình Ngọc Canh, được kiến tạo vào thời Hậu Lê. Theo nhiều nhà nghiên cứu, xây dựng đình Ngọc Canh không thể sớm hơn đời Cảnh Hưng (1740-1786). Còn việc trùng tu đều diễn ra vào đầu triều Nguyễn.
Nếu như kiến trúc, mỹ thuật ở đình Hương Canh tả nhiều về ngày hội làng, những trò chơi dân gian, tạo nên không khí vui nhộn, thì ở đình Ngọc Canh lại thiên về đặc tả những cảnh lao động, những thú vui dân dã của người lao động ở thôn quê. Tiêu biểu là các bức chạm “dựng cột buồm”, “uống rượu”, “chơi cờ”,“đến hát nhà quan”.
Đình Tiên Canh có quy mô lớn hơn hai đình Ngọc Canh và Hương Canh. Bố cục mặt bằng hình chữ ‘Vương”, gồm 3 tòa kiến trúc: Tiền tế, đại bái và nhà hậu. Thể thức kiến trúc của đình Tiên Canh cũng giống như Hương Canh và Ngọc Canh, cột xà có kích thước lớn tạo cho đình một bộ khung hết sức đồ sộ. Bên trái đình có một hồ rộng, diện tích 2.160m2. Hồ được đào vào đầu thời Nguyễn để lấy đất đắp nền đình.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh trở thành Di tích quốc gia đặc biệt vừa là niềm tự hào của nhân dân địa phương nhưng cũng đặt ra trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích này, từ đó góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Nguồn: Báo xây dựng