Hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Theo đó, về hoạt động tài chính, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam. Cùng với đó là sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, giúp cho thị trường khởi nghiệp ngày càng giàu tiềm năng phát triển.
Theo Báo cáo thường niên của DO Ventures và Cento Ventures 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã nhảy từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế tốp đầu ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Việt Nam được đánh giá sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới do có lợi thế về môi trường chính trị ổn định và tốc độ kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Về hành lang pháp lý, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 Khoản 2 Điều 3 đã đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa “được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”. Như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay start-up có thể được hiểu là một doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo, có hiệu quả kinh tế cao. Khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo pháp luật Việt Nam chính là start-up theo cách hiểu phổ biến trên thế giới.
Cũng cần lưu ý thêm, khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được sử dụng không phải để chỉ một hình thức tổ chức pháp lý mới của doanh nghiệp, mà để chỉ một số doanh nghiệp theo tính chất và lĩnh vực hoạt động. Xét về hình thức tổ chức pháp lý, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân và chúng mang đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của các loại hình doanh nghiệp này. Nói tóm lại, doanh nghiệp có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo về cơ bản có cơ chế hoạt động, vận hành như một doanh nghiệp nói chung được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ngày 18/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý, xây dựng các cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Chỉ thị 09/CT-TTg, Bộ Tài chính có nhiệm vụ hướng dẫn hạch toán kế toán cho 03 đối tượng: Đối với doanh nghiệp có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, về cơ bản, doanh nghiệp có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo có cơ chế hoạt động, vận hành như một doanh nghiệp nói chung được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Đối với công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là công ty được thành lập theo pháp luật về doanh nghiệp, có ngành, nghề quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài các đặc điểm hoạt động kinh doanh đặc thù của ngành nghề, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo có cơ chế hoạt động, vận hành như một doanh nghiệp nói chung.
Đối với Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, khoản 2 Điều 2 Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định: “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là quỹ được hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân để thực hiện đầu tư khởi nghiệp sáng tạo”. Khoản 1 Điều 5 Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định: “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở Điều lệ quỹ.”. Như vậy, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân và không phải lập báo cáo tài chính theo quy định của Luật Kế toán.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp như sau:
Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp. Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 hướng dẫn Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Thông tư 125/2011/TT-BTC ngày 05/9/2011 hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các Công ty quản lý quỹ.
Về cơ bản, các hướng dẫn kế toán hiện hành nêu trên đã quy định đầy đủ cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế trong nền kinh tế bao gồm cả doanh nghiệp có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Như vậy, do đó, doanh nghiệp có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo sẽ thực hiện công tác kế toán theo Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán, các chế độ kế toán ban hành theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC và Thông tư số 133/2016/TT-BTC, tùy theo loại hình hoạt động của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã thực hiện khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và thấy rằng, dựa trên mô hình tổ chức và hoạt động, cơ chế tài chính, các công ty có hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hoàn toàn có thể vận dụng các hướng dẫn kế toán nêu trên để thực hiện công tác kế toán. Trên thực tế, các công ty có hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đều đang thực hiện vận dụng các hướng dẫn kế toán nêu trên để thực hiện hạch toán kế toán mà chưa gặp phải vướng mắc về mặt kế toán.
Từ đó, có thể thấy việc ban hành một hướng dẫn riêng về kế toán cho các đơn vị này là không cần thiết và sẽ dẫn đến chồng chéo về mặt quy định pháp luật về kế toán. Trong quá trình hoạt động, nếu phát sinh vướng mắc trong công tác kế toán, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể phản ánh về Bộ Tài chính để được hướng dẫn, giải quyết.
Nam Dương