Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Chăm lo chu đáo

Trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp và chế xuất, thực hiện yêu cầu của chính quyền địa phương, từ ngày 11/8, Công ty Công ty TNHH HAL Việt Nam (khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) đã triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” nhằm vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đức Tâm – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH HAL Việt Nam cho biết, để chăm lo tốt nhất, giúp công nhân yên tâm thực hiện “3 tại chỗ”, Công đoàn đã đề xuất với Công ty trang bị đầy đủ các vật dụng sinh hoạt cá nhân cho mỗi người cũng như đầu tư trang thiết bị tiện nghi (điều hòa, bình nóng lạnh, máy giặt, máy sấy) tại khu ăn, nghỉ ngơi, sinh hoạt của công nhân.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam được đảm bảo đầy đủ lương thưởng và các chế độ đãi ngộ dù trong điều kiện doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Công ty trang bị các thiết bị tập thể dục như bàn bóng bàn, cầu lông, đá cầu, tập tạ tay, tập xà đơn để NLĐ rèn luyện sức khỏe sau giờ làm việc… Công nhân thực hiện “3 tại chỗ” cũng được Công ty hỗ trợ 4 bữa ăn/ngày đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, được trợ cấp 100 ngàn đồng/ngày ngoài hưởng 100% lương theo quy định.

Phấn khởi với sự chăm lo của Công ty, công nhân Nguyễn Hữu Hoan bộc bạch: “Mới đầu khi Công ty triển khai “3 tại chỗ”, chúng tôi có phần lo lắng vì cứ nghĩ môi trường ăn nghỉ ở Công ty không thể bằng ở nhà, nhưng thực sự là Công ty đã chăm lo rất chu đáo, đầy đủ, môi trường sinh hoạt, làm việc rất tốt nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm”.

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, ngoài bộ phận thực hiện “3 tại chỗ”, Công ty TNHH HAL Việt Nam cũng có hơn 200 công nhân ở trong vùng bị cách ly, phong tỏa, không thể đi làm. Bộ phận này cũng được Công ty chăm lo chu đáo. Cụ thể, những công nhân này được sử dụng ngày nghỉ phép để không ảnh hưởng đến trợ cấp chuyên cần và khi hết số ngày sẽ được nhận 70% lương, đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Các công nhân ở vùng cách ly, phong tỏa còn được Công ty hỗ trợ lương thực, thực phẩm, mỗi suất gồm 5kg gạo, 1 thùng mỳ, 1 túi ruốc thịt, 1 túi lạc rang muối, 1 gói bột canh, 1 bó rau muống và 1 quả bí xanh…

“Mặc dù, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng để động viên, giữ chân NLĐ, trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, Công ty đã chi thưởng cho công nhân với các mức từ 200 ngàn đến 1 triệu đồng tùy từng điều kiện, thời gian làm việc của công nhân, việc trả lương cũng được đẩy sớm lên so với quy định về thời gian trả lương trong Thỏa ước lao động tập thể”, ông Nguyễn Đức Tâm cho biết thêm.

Tương tự, thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch của chính quyền địa phương, Công ty TNHH Lixil Việt Nam, huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Ông Đinh Quốc Toản – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, bố trí phòng ốc, trang bị đầy đủ đồ dùng sinh hoạt làm việc cho NLĐ thực hiện “3 tại chỗ”, Công đoàn đang đề xuất Công ty hỗ trợ cho NLĐ thực hiện “3 tại chỗ” từ 150 – 300 ngàn đồng/người, ngoài việc hưởng 100% mức lương theo quy định.

Đối với những trường hợp NLĐ phải thực hiện cách ly, phong tỏa, Công ty cũng chi trả 70% lương cho NLĐ. “Khó khăn rất nhiều nhưng Công ty vẫn đang “gồng mình” nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất để giữ việc làm, đảm bảo thu nhập cho NLĐ”, ông Đinh Quốc Toản nói.

Có việc làm là hạnh phúc

Đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (Cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội) chuyên sản xuất tủ điện xuất khẩu vẫn nhận đơn hàng của đối tác. Để duy trì sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội, Công ty cũng đã áp dụng mô hình “3 tại chỗ”. Ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc Công ty cho biết: Công ty bố trí 9 phòng ký túc xá, trang bị đầy đủ lều bạt, quạt, chăn, gối và đồ dùng cá nhân cho hơn 130 NLĐ thực hiện “3 tại chỗ”.

“Với những người lao động tạm nghỉ việc ở nhà được hưởng lương ở mức 200.000 đồng/ngày; với lao động làm việc tại nhà máy theo mô hình “3 tại chỗ”, ngoài lương sẽ được hưởng thêm trợ cấp từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày; các bữa ăn của NLĐ cũng được Công ty chi trả hết. Thực hiện “3 tại chỗ”, Công ty đầu tư một khoản khá lớn cho chi phí hạ tầng ban đầu, chi phí xét nghiệm trong khi năng suất lao động giảm do chỉ có hơn 40% NLĐ làm việc.

Mặc dù Công ty khá khó khăn nhưng cả NLĐ và doanh nghiệp đều đồng hành, chia sẻ để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng, có nguồn thu từ đó đảm bảo thu nhập cho NLĐ”, ông Nguyễn Quang Huy cho biết.

Đặt tại khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm Hà Nội – vùng có nguy cơ cao, nên Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam luôn chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Song song với đó, Công ty duy trì đầy đủ các chế độ đãi ngộ, phúc lợi cho cán bộ, công nhân viên để người lao động an tâm gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ông Ngô Ngọc Vinh – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, doanh thu giảm 30% nhưng Công ty vẫn đảm bảo mức thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên là 15 triệu đồng/ tháng; chi trả 60% lương cơ bản cho cán bộ, công nhân viên phải nghỉ việc vì dịch như các trường hợp F1, F2, F3 hoặc công nhân trong vùng cách ly phong tỏa y tế; chi hỗn hợp hỗ trợ ảnh hưởng dịch bệnh cùng thưởng dịp 2/9 mức 15 triệu đồng/người.

Ngoài ra, Công ty cũng chi hỗ trợ khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19 riêng cho toàn bộ đoàn viên Công đoàn Công ty đợt 1 là 300.000 đồng/người và đợt 2 dự kiến chi vào cuối tháng 9 là 500.000 đồng/người; hỗ trợ kịp thời cho 11 trường hợp cán bộ, công nhân viên Công ty có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng tiền mặt 15 triệu đồng/người (Công ty hỗ trợ 5 triệu đồng, Công đoàn hỗ trợ 5 triệu đông và Quỹ Tấm lòng vàng của Công ty hỗ trợ 5 triệu đồng).

Tại Công ty TNHH May Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, do đơn hàng vẫn dồi dào nên để đảm bảo sản xuất, Công ty đã đề nghị và được chính quyền địa phương phê duyệt phương án duy trì sản xuất cả trong thời gian giãn cách với yêu cầu đảm bảo công tác phòng chống dịch. Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Giám đốc – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền để cán bộ, công nhân hiểu có việc làm trong bối cảnh hiện nay là điều hạnh phúc nên trách nhiệm của mọi người là cùng nỗ lực đảm bảo phòng dịch để sản xuất an toàn, từ đó ổn định thu nhập.

Thiết thực hơn, Công ty luôn duy trì đầy đủ các chế độ đãi ngộ về tiền ăn, tiền thưởng… và đảm bảo mức thu nhập bình quân cho NLĐ trong tháng 7 là 7,5 triệu đồng/người, tháng 8 thu nhập tăng lên là 7,9 triệu đồng/người”, bà Thu Giang cho biết.

Có thể nói, trong điều kiện có nhiều khó khăn, những nỗ lực để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và chăm lo NLĐ của các doanh nghiệp là rất đáng trân trọng. Về phía NLĐ, hiểu được khó khăn của doanh nghiệp nên sẵn lòng chia ngọt, sẻ bùi. Tinh thần đồng hành của người sử dụng lao động và NLĐ chính là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Phạm Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích