Áp dụng bài giảng trên truyền hình để hỗ trợ cho việc học trực tuyến

Áp dụng bài giảng trên truyền hình để hỗ trợ cho việc học trực tuyến

MTĐT –  Thứ năm, 09/09/2021 09:56 (GMT+7)

Việc bảo đảm chất lượng giáo dục là yêu cầu rất quan trọng, nhất là học sinh các lớp đầu cấp và bậc tiểu học.

Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện các đài truyền hình, kênh truyền hình Trung ương… bàn giải pháp đẩy mạnh dạy học trực tuyến, trên truyền hình và các phương thức giáo dục khác trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

tm-img-alt
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp về phổ biến kiến thức, giáo dục trong điều kiện có dịch COVID-19. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Cuộc làm việc thống nhất: Phương thức học trực tuyến là phương thức chủ đạo, học truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng, nhất là ở những nơi không có điều kiện học trực tuyến.

Học truyền hình tương tác kém hơn học trực tuyến nhưng khả năng tiếp cận công bằng hơn, phù hợp với những gia đình khó khăn hoặc các học sinh còn nhỏ, thậm chí tốt hơn học trên điện thoại di động.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm việc cụ thể, chi tiết với các đài truyền hình, kênh truyền hình Trung ương, sắp xếp học liệu, bài giảng truyền hình, lên lịch phát sóng đảm bảo diện bao phủ tốt nhất; tiếp tục làm việc để các đài địa phương tiếp sóng, bổ trợ cho cả những học sinh học trực tuyến.

Tương tự như trong chống dịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng cần đảm bảo đường truyền phục vụ cho dạy, học trực tuyến.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Trên tinh thần, ít nhất phải có 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình/môn/khối mỗi ngày, nhất là bài giảng cho bậc Tiểu học.”

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các văn bản hướng dẫn cho năm học mới đã được ban hành. Trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; bổ sung bài giảng, học liệu phục vụ học trực tuyến, học trên truyền hình.

Bộ trưởng khẳng định, với tình hình dịch bệnh hiện nay, dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất, “lớp 1, lớp 2 thì dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm”. Trước mắt giáo viên không thực hiện kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình đối với học sinh lớp 1, lớp 2.

Để dạy trên truyền hình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng video bài giảng cho môn học các lớp 1, 2 và 6, hiện đang phát hành Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1. Đối với các lớp còn lại, Bộ lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng. Bộ sẽ hỗ trợ thẩm định bài giảng.

Ở những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, trên truyền hình, các nhà trường sẽ thực hiện phát phiếu học tập đến học sinh để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Đối với bậc học mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xây dựng ngân hàng video clip để phụ huynh hướng dẫn, giáo dục trẻ ở nhà.

Tại cuộc làm việc, các ý kiến thống nhất, trong điều kiện có dịch COVID-19 hiện nay, bên cạnh phương thức dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục cần đặc biệt quan tâm giảng dạy qua truyền hình.

Để bao phủ tất cả các khối và môn học, các ý kiến cho rằng cần có nhiều kênh phát sóng theo các khung giờ cố định. Đại diện Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam), Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Truyền hình Nhân Dân… cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ trì, “phân vai” cho từng kênh phát sóng việc dạy học các khối trên từng kênh truyền hình.

Một số ý kiến đề xuất phương thức khác nhằm mục tiêu đưa các bài giảng đến tất cả mọi học sinh với chất lượng tốt nhất, ở mọi nơi, mọi lúc…

Nhấn mạnh vai trò hỗ trợ quan trọng của các phụ huynh học sinh, một số ý kiến đề xuất tổ chức mạng lưới “Giáo viên đồng hành” để gọi điện, hỗ trợ cho từng học sinh, phụ huynh; kết nối cụ thể từng yêu cầu để hỗ trợ trực tiếp cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn qua Đề án Hệ tri thức Việt số hóa…/.

PV (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích