Đất ở nông thôn mất nửa giá sau 1 năm, người vỡ nợ vì đất càng nhiều

Hiện tại, không ít lô đất nền ở nông thôn được giao dịch bằng nửa giá so với thời điểm “sốt đất” đầu năm ngoái.

Giá giảm 50%

Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến đầu năm 2022, nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra các cuộc “sốt đất”. Giá đất ở các vùng nông thôn cũng đồng loạt tăng theo cấp số nhân. Thời điểm “sốt đất”, không ít người đã bỏ công việc thường ngày đi buôn đất. Trong đó, có người giàu lên, kiếm tiền ra tiền tỷ từ đất.

Tuy nhiên, khi giá đất bị thổi lên mức quá cao, không đúng với giá trị thực, thị trường quay về hiện thực. Hiện nay, giá đất nền ở nông thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi thị trường trầm lắng, trong đó, xu hướng giảm mạnh càng rõ rệt từ nhiều tháng nay.

Trong vai người mua, chúng tôi được một môi giới nhà đất chuyên nghiệp ở huyện Hải Hậu (Nam Định) cho biết, giá đất nền ở toàn huyện Hải Hậu và Giao Thủy đang sụt giảm cao so với đầu năm 2022, có lô đã giảm tới 50% vẫn không có người mua.

“Đầu năm ngoái, một lô đất diện tích 120m2 tại huyện Hải Hậu có giá 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, vừa qua, các lô đất khác, cùng trên trục đường với lô đất trên được tổ chức đấu giá, nhưng chỉ được trả dưới 600 triệu đồng/lô”, môi giới này dẫn chứng và khẳng định muốn bán lô đất 120m2 trên giá 600 triệu đồng cũng khó.

Đất ở nông thôn mất nửa giá sau 1 năm, người vỡ nợ vì đất càng nhiều
Giá đất nền ở nông thôn tại huyện Hải Hậu (Nam Định) được thổi lên cao, khiến nhiều nhà đầu tư mắc cạn sau “sốt đất” (Ảnh: Hà Phong).

Cũng theo môi giới này, ngoài giảm giá, đất nền còn không có tính thanh khoản do nhu cầu người mua ở không lớn. Trong khi đó, giới đầu cơ, đầu tư hiện nay đa phần đang phải gồng gánh để trả nợ và “thoát hàng”.

“Không ít người vay mượn mua đất thời gian qua phải đi “vay nóng” để đáo hạn. Giờ để lại thì không chịu được lãi, bán đi thì gần như mất cả vốn. Người vỡ nợ vì đất ngày càng nhiều”, môi giới này cho biết.

Tương tự, giá đất nền ở các huyện của Hòa Bình đang giảm rõ rệt thời gian qua. Hiện tại, nhiều lô đất ở huyện Lương Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi… giảm 40-60% so với đầu năm 2022.

Anh Nguyễn Đức Thành – một môi giới nhà đất ở huyện Lương Sơn – cho biết, ở thời điểm này, giá đất ở Lương Sơn đã giảm nhiệt rõ rệt, thị trường trầm lắng. Hầu như nhà đầu tư đều đang chờ các dự án nghỉ dưỡng được triển khai để thị trường bất động sản sôi động trở lại.

“Một lô đất nền được rao bán giảm với giá 1,8 triệu đồng/m2, giảm hơn 50% so với giá đầu năm 2022 là 3,8 triệu đồng/m2. Lý do chủ đất bán giảm giá là do áp lực từ các khoản vay nợ”, anh Thành chia sẻ.

Đất ở nông thôn có giá trị sử dụng chưa cao

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cuối năm 2022, do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ thắt chặt và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế cũng như các vấn đề nội tại thị trường chưa được giải quyết đã khiến thị trường bất động sản rơi vào khó khăn.

Giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền, giảm mạnh, gần như trở lại mức giá thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn “sốt đất”.

Chia sẻ về điều này, chuyên gia bất động sản Trần Minh cho rằng, thị trường đất ở nông thôn là một trong những hàng hóa có giá trị sử dụng chưa cao và đặc biệt là tính đô thị hóa tại các tỉnh chậm hơn so với thị trường lõi là Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, lợi thế đất ở nông thôn là mặt pháp lý thường có sổ đỏ và vốn để đầu tư chỉ khoảng 1 tỷ đồng có thể mua được vài trăm m2 hoặc có thể nhiều hơn.

Cũng theo ông, một số khu vực có hạ tầng hỗ trợ thì đất ở nông thôn lại là một trong những cái yếu tố nghịch lý. Bởi, với những tỉnh có sẵn tiềm năng về mặt hạ tầng thì đất ở nông thôn là một trong những loại hình được nhà đầu tư ở trong tỉnh đó và kể cả những nhà đầu tư ở tỉnh khác quan tâm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích