Doanh nghiệp kiến nghị nâng lợi nhuận làm nhà ở xã hội lên 15%
Doanh nghiệp kiến nghị cần tăng lợi nhuận làm nhà ở xã hội lên mức 15%, hoặc thưởng theo thực tế thành tích phát triển nhà ở xã hội để bù đắp chi phí…
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết vừa có buổi làm việc với các doanh nghiệp về việc thúc đẩy nhanh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện chỉ tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, các doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề. Trong đó, nhóm kiến nghị về ưu đãi về chính sách, cụ thể về thuế VAT, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan nhà nước nghiên cứu vẫn giữ ở mức 5%.
Về lợi nhuận làm nhà ở xã hội, doanh nghiệp kiến nghị cần tăng lên 15% hoặc thưởng theo thực tế thành tích phát triển nhà ở xã hội hoặc hình thức tương đương để bù đắp chi phí, tạo động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp kiến nghị nâng lợi nhuận làm nhà ở xã hội lên 15% thay vì mức 10% như quy định hiện hành. (Ảnh: Nguyễn Lê) |
Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng rào của dự án cần được đồng bộ để tạo ra sự kết nối với hạ tầng bên trong dự án.
Về việc tạo lập quỹ đất, doanh nghiệp muốn chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ chế để giải quyết giá trị mà các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra mua đất thương mại và chuyển sang làm nhà ở xã hội.
Liên quan đến quy trình, thủ tục hành chính, đầu tư dự án, chủ trương quy hoạch, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng theo phương châm đơn giản hóa thủ tục và cần có Nghị định do Chính phủ và Thông tư hướng dẫn do các bộ ngành liên quan thông qua, chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ trong từng khâu giải quyết thủ tục.
Từ những kiến nghị này của doanh nghiệp, ông Khôi cho biết, Hiệp hội sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm và sẽ làm việc với các bộ ngành liên quan để có thể đưa các đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy việc phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Bổ sung công thức tính giá bán nhả ở xã hội sau khi đã cho thuê 5 năm Trước đó, VCCI cũng đã có một số góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đáng chú ý, đơn vị này cho hay, dự thảo sửa đổi công thức tính giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội theo hướng bỏ quy định về phần giảm trừ lợi nhuận của phần diện tích nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được phân bổ cho phần diện tích nhà ở xã hội để bán, sẽ khiến giá bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tăng lên, nên cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh này. VCCI dẫn quy định tại Điều 9 Thông tư 09/2021/TT-BXD: “Việc hạch toán lợi nhuận thu được từ phần kinh doanh thương mại để bù đắp chi phí cho nhà ở xã hội, phải nêu rõ phần bù đắp để giảm giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua, phần bù đắp cho quản lý, vận hành nhà ở xã hội, và phải được thể hiện rõ trong phương án cân đối tài chính của toàn bộ dự án theo quy định tại điểm d khoản này. Sở Xây dựng hoặc cơ quan có chức năng thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội của địa phương, có trách nhiệm kiểm tra việc hạch toán này của chủ đầu tư dự án”. Nên “Trường hợp dự thảo bỏ quy định về phần giảm trừ lợi nhuận thương mại khi xác định giá bán/thuê nhà ở xã hội, thì không rõ lợi nhuận từ phần thương mại có bị khống chế hay không? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này nhằm tạo thuận lợi khi thực hiện”, VCCI nêu. Đơn vị này cũng cho biết, theo quy định về việc cho thuê nhà ở xã hội thì cho thuê sau 5 năm mới được phép bán. Điều này khiến doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi xác định giá bán phần diện tích của nhà ở xã hội này, do công thức tính giá bán chưa tính đến trường hợp bán nhà sau thời gian cho thuê, khiến việc xác định giá bán không thống nhất. Vì vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo bổ sung công thức tính giá bán nhả ở xã hội sau khi đã cho thuê 5 năm. |
Nguồn: Báo xây dựng