Lai Châu: Động đất 4,4 độ richter tại Mường Tè gây rung lắc mạnh
Lai Châu: Động đất 4,4 độ richter tại Mường Tè gây rung lắc mạnh
Theo dõi MTĐT trên
Sáng nay, người dân khu vực thị trấn và các xã Pa Ủ, Mường Tè cảm nhận rõ hiện tượng rung lắc nhà cửa và đồ vật sinh hoạt trong nhà, do ảnh hưởng động đất.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam cho biết, động đất xảy ra lúc 4h49′ sáng nay (giờ Hà Nội).
Trận động đất có cường độ 4,4 độ Richter, xảy ra tại tọa độ 22.534N – 102.672E, ở độ sâu 16km, thuộc địa phận huyện Mường Tè (Lai Châu). Cấp độ rủi ro thiên tai là 0. Hiện Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến trận động đất này.
Trao đổi thông tin với báo chí, lãnh đạo UBND huyện Mường Tè cho biết, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra và chưa ghi nhận thiệt hại. Huyện cũng đang chỉ đạo các đơn vị thi công, quản lý thủy điện để kiểm tra các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn.
Khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên – Mường Lay, đứt gãy Sông Mã – Tuần Giáo – Lai Châu. Khu vực này từng ghi nhận một số trận động đất có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có độ lớn 6,9 độ tại lòng chảo Điện Biên, trận động đất 6,7 độ xảy ra tại thị trấn Tuần Giáo năm 1983, một trận động đất mạnh 5,3 độ tại thành phố Điện Biên Phủ năm 2001.
Gần nhất, ngày 27/7/2020, một trận động đất có độ lớn 5,3 độ xảy ra tại Mộc Châu khiến các tỉnh miền Bắc cảm nhận rõ chấn động. Ban chỉ đạo phòng chống thiên tại huyện Mộc Châu ghi nhận hàng trăm nhà dân bị hư hại trong trận động đất này và hàng chục dư chấn xảy ra sau đó.
Khu vực Mường Tè, Lai Châu cũng là nơi liên tục xảy ra các trận động đất, trong đó trận động đất ngày 16/6/2020 đã làm sập trần thạch cao khiến bốn học sinh bị thương. Trận cường độ lớn nhất ghi nhận ở Lai Châu là 6,8 độ richter vào năm 1983.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần khuyến cáo, hoạt động xây dựng tại khu vực này cần quan tâm đến yếu tố kháng chấn để giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp xảy ra động đất mạnh. Đồng thời, cần có hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng xử lý khi gặp động đất, đặc biệt là những nơi có nguy cơ động đất cao như Tây Bắc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị