Hành trình World Cup của tuyển Việt Nam nhìn từ thực trạng sân Mỹ Đình
Sân Mỹ Đình đang trở thành hình ảnh xấu trên truyền thông quốc tế sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Australia ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Sau trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Australia, chất lượng sân Mỹ Đình trở thành đề tài được truyền thông nhắc đến với những ý kiến khá tiêu cực. Truyền thông Australia thậm chí đã ví mặt sân Mỹ Đình xấu như “bãi chăn bò”.
Trước đó, báo chí Việt Nam đã ghi nhận khâu chuẩn bị của sân Mỹ Đình chuẩn bị cho trận đấu này không khác so với… 10 năm trước. Đó là hình ảnh các nhân viên kẻ vạch vôi đi tông, dép tổ ong với các dụng cụ khá thô sơ là xe ba gác và chổi quét sơn…
Hay đó là hình ảnh phòng vận hành các thiết bị phục vụ công nghệ VAR cũng mất mỹ quan. Theo ghi nhận của những phóng viên tác nghiệp tại sân Mỹ Đình tối 7.9, nhiều hạng mục đã xuống cấp, mất mỹ quan, nhà vệ sinh bốc mùi… Trong khi đó, hệ thống thang máy đã hỏng từ lâu.
Hình ảnh các nhân viên kẻ sân Mỹ Đình trước trận đội tuyển Việt Nam – Australia. Ảnh: Khương Xuân |
Trước đó, Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đã đưa ra khung giá thuê sân để tổ chức các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là từ 350-500 triệu đồng/trận. Chi phí được chi cho công tác vệ sinh, điện, nước…
Sân vận động Mỹ Đình được đưa vào sử dụng từ SEA Games 2003 với chi phí xây dựng gần 53 triệu USD. Sân có sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi với 4 khán đài. Sau gần 20 năm, nhiều hạng mục đã xuống cấp nhưng chủ trương không xây mới mà chỉ sửa chữa phục vụ SEA Games 31.
Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động từ cuối năm 2020, sân Mỹ Đình đã bắt đầu được tu sửa để chuẩn bị cho SEA Games 31 (theo kế hoạch diễn ra vào tháng 11.2021 nhưng sau đó chuyển sang tổ chức vào năm 2022). Theo dự kiến ban đầu, sân Mỹ Đình sẽ được sửa chữa để chuẩn bị cho việc tổ chức SEA Games 31 với kinh phí khoảng 150 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay sân mới chỉ xử lý phần chống sụt, lún ở khu vực khán đài C,D.
Với sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi, sân Mỹ Đình trong những năm gần đây luôn xảy ra tình trạng quá tải khi không đáp ứng được nhu cầu của khán giả ở những trận đấu quan trọng của đội tuyển Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, sân Mỹ Đình được nâng cấp lên 60.000 chỗ trong tương lai sẽ giải quyết được một phần lớn nhu cầu vé cho người hâm mộ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Hổ – Giám đốc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình, vấn đề nâng cấp khán đài phụ thuộc nhiều vào kinh phí nâng cấp, sửa chữa. Riêng mặt sân cỏ được giữ nguyên. “Mặt sân bóng đá, chúng tôi giữ gìn, chăm sóc nên vẫn sử dụng rất tốt. Đây cũng là mặt sân đẹp so với khu vực. Đây là mặt sân chỉ ưu tiên cho các trận đấu lớn của U23 và đội tuyển bóng đá quốc gia nên vẫn rất tốt”, ông Hổ nói.
Mặt cỏ tại sân vận động Mỹ Đình được thay mới lần gần nhất vào năm 2012, cho đến thời điểm hiện tại đã 10 năm chưa được trồng lại.
Mặt sân Mỹ Đình trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Australia. Ảnh: Hoài Thu |
Bóng đá Việt Nam mơ đến World Cup, thậm chí lộ trình mà VFF đặt là là năm 2026, nơi số đội tăng từ 32 lên 48. Thế nhưng, nhìn về thực trạng cơ sở vật chất, chúng ta vẫn chưa có một sân vận động tiêu chuẩn World Cup. Thậm chí, những sân đủ tiêu chuẩn tổ chức các trận đấu quốc tế đếm trên đầu ngón tay.
Trước đây, khi các doanh nghiệp lớn mời những đội bóng Ngoại hạng Anh như Arsenal hay Man City sang Việt Nam du đấu, một trong những điều kiện tiên quyết là phải đáp ứng mặt sân chất lượng. Bầu Hiển từng phải trả lời 15 câu hỏi của Giám đốc chuyên về mặt sân cỏ của Man City trước khi đương kim vô địch nước Anh đồng ý đến Hà Nội. Việc không có những sân vận động “5 sao” cũng là một trong những lý do khiến Việt Nam không phải sự ưu tiên trong các chuyến du đấu của các câu lạc bộ danh tiếng thế giới.
Nhìn vào thực trạng các mặt sân vận động quốc gia Mỹ Đình, World Cup vẫn là một giấc mơ rất xa.
Nguồn: Báo xây dựng