Hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), năm 2022, Tổng cục đã tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân thực hiện đầy đủ quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Cũng theo Tổng cục TCĐLCL, sau thời gian triển khai Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đã bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Bộ KH&CN đã có Tờ trình số 3483/TTr-BKHCN ngày 24/11/2022 báo cáo Chính phủ đối với hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời hoàn thiện báo cáo nghiên cứu, tổng kết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhấn mạnh, trong năm 2023, Tổng cục TCĐLCL phải đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan phù hợp các cam kết tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới phải đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo… theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, đảm bảo phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đặc biệt là tập trung xây dựng Đề án chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.

Năm 2022, Bộ KH&CN công bố 496 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tăng 27,5% so với năm 2021, tập trung vào các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản phẩm nông nghiệp, tự động hóa, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, kiểm soát môi trường, giao thông đường bộ, vật liệu và công trình xây dựng, an ninh thông tin…

Tổng cục TCĐLCL tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện việc xây dựng, soát xét TCVN theo kế hoạch đã được Bộ KH&CN phê duyệt; tham mưu góp ý, tiếp nhận và thẩm định 32 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) của các Bộ quản lý chuyên ngành, đảm bảo công tác quản lý nhà nước và hạn chế các rào cản, thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; hướng dẫn, góp ý 31 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

 Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Tổng cục tiếp tục duy trì việc công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Tổng cục về Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN. Đồng thời duy trì thực hiện các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại.

Để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, Tổng cục TCĐLCL đã triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bộ KH&CN đã có Tờ trình số 3483/TTr-BKHCN ngày 24/11/2022 báo cáo Chính phủ đối với hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời hoàn thiện báo cáo nghiên cứu, tổng kết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước ngày 1/11/2023.

Tập trung xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hoá

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết, việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ tác động mạnh mẽ không chỉ trong công tác quản lý, mà còn thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Việc hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung lần này góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế của doanh nghiệp.

Đồng thời, tạo hành lang pháp lý thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn/ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cũng như hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất kinh doanh; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành cho thấy việc sửa đổi, bổ sung luật này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như yêu cầu thực tiễn của xã hội về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới.

Hiện tại, việc bổ sung quy định mới chưa có trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sẽ tập trung vào việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và trách nhiệm minh bạch hóa của Việt Nam theo cam kết tại các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, bởi trong các FTA đều có một điều về cam kết minh bạch hóa liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp. Quy định này yêu cầu các nước thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp lẫn nhau trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế và khu vực.

Bên cạnh đó, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa bổ sung các quy định về tăng cường năng lực, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bởi hệ thống hạ tầng chất lượng (QI-Quality infrastructure) là sự tổng hợp các chính sách, luật, quy định, quyết định hành chính để thiết lập và thực hiện hoạt động tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận và các dịch vụ đánh giá sự phù hợp nhằm cung cấp bằng chứng rằng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp quy định và đáp ứng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường năng lực, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam là yêu cầu, giải pháp quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích