Tiếp vụ vi phạm bản quyền phần mềm: Công ty Dragon Technologies đang bị vu khống, vu cáo?

Yêu cầu chấm dứt vu khống, vu cáo

Sau khi cơ quan báo chí phản ánh việc vi phạm bản quyền thì mới đây, Công ty Dragon Technologies đã có phản hồi gửi cơ quan chức năng và báo chí cho rằng Công ty Tâm Đạt vu khống, vu cáo. Cụ thể, ngày 17/2/2023, ông Hoàng Quang Vinh, Giám đốc Công ty Dragon Technologies đã có thư yêu cầu đại diện Công ty Tâm Đạt rút lại và chấm dứt toàn bộ hành vi vu khống, vu cáo đã gửi Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL nhằm ngăn chặn việc cấp phép phần mềm của Công ty Dragon Technologies.

Đại diện Công ty Dragon Technologies cho rằng, ông Tâm và Công ty Tâm Đạt trong tháng 9/2022 đã gửi đơn đến Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ VHTTDL yêu cầu ngăn chặn việc cấp phép phần mềm quản lý khách sạn PMS PROUD của Công ty Dragon Technologies, đồng thời tố cáo doanh nghiệp này sao chép trái phép và phân phối chương trình phần mềm máy tính (DiHotel).

z4149143018460_dee0cc50e35b9956a59f36677992a395
Công ty Dragon Technologies yêu cầu đại diện Công ty Tâm Đạt rút lại và chấm dứt toàn bộ hành vi vu khống, vu cáo.

Tiếp đó, ngày 7/10/2022 Công ty Tâm Đạt dùng công văn của Thanh tra Bộ VHTTDL gửi cho khách hàng vu khống Công ty Dragon Technologies vi phạm bản quyền phần mềm; ngày 20/10/2022, Công ty Tâm Đạt tiếp tục gửi công văn của Cục Bản quyền tác giả đến ACE GM nói phần mềm PMS PROUD của Công ty Dragon Technologies là phần mềm sao chép… 

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Vinh, những hành vi trên là Công ty Tâm Đạt vu khống, vu cáo Công ty Dragon Technologies, đồng thời, yêu cầu ông Tâm và Công ty Tâm Đạt rút lại và chấm dứt toàn bộ hành vi vu khống, vu cáo đã gửi cơ quan chức năng và báo chí. Ông Tâm và Công ty Tâm Đạt phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đền bù thiệt hại đã và đang gây ra cho Công ty Dragon Technologies trong suốt thời gian qua.

Về phía Công ty Tâm Đạt, ngày 22/2/2023 đại diện doanh nghiệp này đã có đơn gửi Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam yêu cầu vào cuộc xử lý vụ việc các ông (Hoàng Quang Vinh, Hoàng Anh Tuấn và Hoàng Quốc Long) và Công ty Dragon Technologies xâm phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ sản phẩm phần mềm của Công ty Tâm Đạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng. 

Theo lý giải của Công ty Tâm Đạt, khách hàng là những người tiêu dùng khi sử dụng phần mềm trái phép, không đúng quy định (sao chép trái phép) sẽ bị đối diện nhiều rủi ro về pháp lý, nguy cơ bị khởi kiện, vi phạm pháp luật.

z4149690464043_606a6632df17239ab048bb1bd9000e4f
Công ty Tâm Đạt yêu cầu Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam vào cuộc xử lý vụ việc các cá nhân và Công ty Dragon Technologies xâm phạm bản quyền.

Chất lượng phần mềm sao chép trái phép của các cá nhân phát triển không đồng bộ, không cập nhật công nghệ, xu hướng mới, dễ gây thiệt hại trong quá trình sử dụng, không được bồi thường.

Việc bảo trì, cập nhật các bản mới gặp khó khăn, sửa chữa khắc phục các sự cố không tốt, thiệt hại về uy tín và kinh tế, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Người tiêu dùng là khách hàng khi tiếp nhận các quảng cáo, tiếp thị của các công ty trên sẽ bị ngộ nhận, lầm tưởng là của Công ty Tâm Đạt nên hợp tác, dẫn đến đây là hành vi lừa dối, lừa đảo người tiêu dùng để chiếm đoạt khách hàng của Công ty Tâm Đạt…

Do đó, Công ty Tâm Đạt yêu cầu Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam vào cuộc nắm rõ sự việc, lên tiếng cảnh báo, bảo vệ người tiêu dùng; lên tiếng bảo vệ các khách hàng qua việc cảnh báo các rủi ro về pháp lý, thiệt hại về tài sản, kinh tế, thời gian khi sử dụng các phần mềm vi phạm pháp luật, chưa được đăng ký; phản bác các hành vi của các cá nhân công ty nêu trên, yêu cầu ngừng hoạt động quảng bá, sử dụng các phần mềm sao chép, dữ liệu vì họ đang có các hành vi ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Mặt khác, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam lên tiếng yêu cầu các ngành chức năng, quản lý đình chỉ các hoạt động vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần Dragon Technologies và các cá nhân, pháp nhân trên.

Theo đơn yêu cầu của Công ty Tâm Đạt gửi Hội bảo vệ Người tiêu dùng có nêu, phần mềm DiHotel được phát triển, nghiên cứu gần 20 năm qua, sử dụng có giá trị cao, được hoàn thiện qua nhiều năm, có giá trị hàng chục tỷ đồng đã bị sao chép trái phép sử dụng kinh doanh trái pháp luật. Công ty Tâm Đạt khẳng định, các cá nhân trên không thể phát triển được các phần mềm trong thời gian ngắn như vậy, mà chỉ đơn thuần là sao chép, chỉnh sửa giao diện. Vì để sản xuất phần mềm mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Cụ thể, để phát triển phần mềm DiHotel thì phải mất hơn 10 năm. Mỗi tháng cần 10 người, thì 1 năm cần khoảng 120 người và cần 1.200 người trong 10 năm. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Dragon Technologies mới thành lập chỉ vài tháng không thể làm ra một phần mềm như DiHotel của Công ty Tâm Đạt được.

Theo tính toán kỹ thuật, Công ty Dragon Technologies nếu phát triển phần mềm trong 1 tháng thì công ty này phải cần 1.200 người; 2 tháng phải cần 600 người; 4 tháng phải cần 300 người. Trong khi kể từ khi thành lập, Công ty Dragon Technologies chỉ có số nhân viên rất ít. Nếu Công ty Dragon Technologies khẳng định được phần mềm DiHotel (đã được đổi tên) do họ viết thì phải chứng minh các kế hoạch công việc, biên bản kết quả theo giai đoạn, lộ trình, hợp đồng lao động, bảng lương của các nhân viên kỹ thuật… đây là điều không thể đối với một phần mềm đòi hỏi nhiều nghiên cứu, sáng tạo, kinh nghiệm, năng lực của đội ngũ nhân viên kỹ thuật, kỹ sư phần mềm.

Ai đứng sau 50% vốn điều lệ Dragon Technologies?

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Dragon Technologies được thành lập ngày 3/3/2022 có trụ sở tại 289/1 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện pháp luật, kiêm Giám đốc là ông Hoàng Quang Vinh. Lưu ý, thời điểm này ông Vinh vẫn đang làm việc tại Công ty Tâm Đạt.

Doanh nghiệp này có vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng do 4 cá nhân góp, gồm: Hoàng Quốc Long góp 1,2 tỷ đồng, sở hữu 20% vốn điều lệ; Hoàng Quang Vinh góp 900 triệu đồng, sở hữu 15% vốn điều lệ; Hoàng Anh Tuấn góp 900 triệu đồng, sở hữu 15% vốn điều lệ; Trần Kim Chi góp 3 tỷ đồng, nắm 50% vốn điều lệ doanh nghiệp này.

Thiết kế chưa có tên (1)
Đại diện Công ty Dragon Technologies và đối tác.

Đáng chú ý, ngoài việc sở hữu 50% vốn góp tại Công ty Dragon Technologies bà Trần Kim Chi hiện đang là người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc của Công ty TNHH Thương mại V-Star, đồng thời bà Chi cũng đang đảm nhận vai trò kế toán trưởng của Công ty Cổ phần Công nghệ Elite. Cả hai công ty này đều có trụ sở trùng với địa chỉ Công ty Dragon Technologies.

Riêng về Công ty Cổ phần Công nghệ Elite, người đại diện kiêm Giám đốc doanh nghiệp này là ông Phạm Trung Kiên nhưng người nắm quyền chi phối lớn ở doanh nghiệp này là bà Trần Hoài Phương Chi. Hiện bà Trần Hoài Phương Chi giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Công ty Cổ phần Công nghệ Elite. Bên cạnh đó, tham gia Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Công nghệ Elite còn có một số cái tên khác như: Lương Thị Vân, Hà Minh Tú, Allen Weilong Lou (chồng bà Chi) và Phạm Trung Kiên. Ngoài ra, bà Trần Hoài Phương Chi còn làm đại diện cho nhiều doanh nghiệp và văn phòng đại diện khác.

Năm 2007, bà Trần Hoài Phương Chi và ông Allen Weilong Lou từng liên quan đến vụ án tranh chấp 4 lô hàng máy tính và linh kiện giữa Công ty ACER SALES & DISTRIBUTION LTD (nguyên đơn), có trụ sở tại Hồng Kông và Công ty TNHH Công nghệ tin học Bách Thắng, Công ty TNHH Sản xuất Vĩnh Thắng (bị đơn) do bà Trần Hoài Phương Chi làm đại điện pháp luật…

Tuy nhiên, Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bác yêu cầu của Công ty ACER SALES & DISTRIBUTION LTD đòi Công ty TNHH Công nghệ tin học Bách Thắng, Công ty TNHH Sản xuất Vĩnh Thắng, bà Trần Hoài Phương Chi, ông Allen Weilong Lou… trả nợ số tiền hơn 5,5 tỷ đồng (gốc và lãi) các hợp đồng mua bán 4 lô hàng máy tính, linh phụ kiện theo bản án số: 401/2007/KDTM/ST, ngày 6/3/2007…

Nhiều dữ liệu trên cho thấy đứng sau 50% vốn góp vào Công ty Dragon Technologies có thể liên quan đến nhóm cổ đông của Công ty Cổ phần Công nghệ Elite./.

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích