Bán hàng mùa dịch: Ngày làm đêm mộng du rửa tay, xịt khuẩn

Bán hàng mùa dịch: Ngày làm đêm mộng du rửa tay, xịt khuẩn

Trong khi nhiều người đang mất việc vì dịch Covid-19 thì nhiều bạn trẻ vẫn có thu nhập ổn định từ công việc làm thêm là bán hàng. Thế nhưng, ẩn đằng sau đó là nỗi sợ… trở thành F0.

Bán hàng mùa dịch ám ảnh trong cả giấc ngủ

nhân viên bán hàng kiêm thu ngân tại một cửa hàng thực phẩm ở phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (Hà Nội), chị Phạm Thanh Thảo chia sẻ: “Mỗi ngày đi làm là một lần căng não. Lúc nào tôi cũng nghĩ nhỡ không may gặp khách hàng là người mắc Covid thì sao. Nhiều đêm khi ngủ, tôi vẫn còn mơ thấy mình đang rửa tay, xịt khuẩn để phòng thân”.  

Empty

 Công việc bán hàng kiêm thu ngân giúp chị Phạm Thanh Thảo có thu nhập trong những ngày giãn cách

Công việc bán hàng tuy có khả năng lây nhiễm bệnh cao vì tiếp xúc với nhiều người nhưng đã đem lại cho cô gái 24 tuổi này mức lương cố định 5 triệu đồng/tháng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính trong những ngày giãn cách của chị Thảo.

“Mùa dịch dã như thế này, vẫn còn việc để làm là may mắn lắm rồi. Những người bạn của tôi cũng có một số trường hợp bị mất việc do Covid-19, giờ vẫn đang ở nhà nộp hồ sơ xin ứng tuyển”, Thảo bày tỏ.

Chung tâm sự với chị Thảo, Nguyễn Minh Châu – sinh viên một trường đại học ở Hà Nội đang làm thêm tại một cửa hàng quà tặng và phụ kiện cho hay, đi làm thời Covid-19 tiếp xúc với nhiều người nên em luôn chủ động phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay. Tuy vẫn lo lắng có nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng Châu vẫn dặn lòng phải cố gắng làm việc và bảo đảm an toàn cho chính mình.

“Đi làm thì sợ mắc Covid nhưng không đi làm thì không có tiền chi trả các phí sinh hoạt hàng ngày”, Minh Châu tâm sự.

Minh Châu cho biết thêm: “Do đặc thù của công việc nên mình phải đứng tư vấn, nói chuyện với nhiều khách hàng. Đương nhiên điều đó cũng khiến mình cảm thấy sợ và lo lắng. Nhưng mình vẫn luôn chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ bản thân mình như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay khô để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh”.

Empty

Bán hàng mùa dịch nên Minh Châu luôn canh cánh nỗi lo

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Thanh Thảo và Minh Châu an toàn trong công việc qua những đợt dịch cao điểm vừa qua. Chị Trần Thị Mai Anh (quê ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) là một ví dụ.

Mai Anh làm nhân viên cửa hàng tiện lợi ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Do đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều người nên mặc dù đã rất chủ động phòng dịch nhưng chị đã không may khi trở thành F phải đi cách ly dịch vào dịp tháng 8/2021 sau khi tiếp xúc với người mua hàng dương tính với SAR-Cov-2.

Tạo điều kiện, hỗ trợ nhân viên bán hàng mùa dịch

Là quản lý một siêu thị ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), chị Lê Thanh Ngọc cho biết: “Dù lo lắng cho tình hình kinh doanh của cửa hàng nhưng mình vẫn tập trung cho các biện pháp an toàn nhất để phòng chống dịch. Mình luôn căn dặn các bạn nhân viên phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay xịt khuẩn thường xuyên. Giữ đúng khoảng cách an toàn với khách hàng. Riêng tại quầy thanh toán, cửa hàng còn lắp đặt tấm nhựa để ngăn cách với khách”.

Trong đợt dịch này, do các quán ăn đóng cửa nên chị Lê Thanh Ngọc cũng tạo điều kiện cho các bạn nhân viên thay nhau nấu cơm trong ca làm việc để hạn chế tối đa việc ra ngoài.

Empty

Nhiều bạn trẻ may mắn vì còn có việc làm mùa dịch dù luôn lo lắng lây nhiễm

“Siêu thị phát kính bảo hộ, hỗ trợ tiền đi lại và thưởng cho nhân viên xuất sắc theo từng quý. Nhân viên nếu bị đi cách ly do Covid-19 không thể đi làm được vẫn được tính công và đóng bảo hiểm xã hội bình thường”, chị Lê Thanh Ngọc chia sẻ.

Anh Trần Văn Trang, một chủ cửa hàng chuỗi thực phẩm sạch (quận Cầu Giấy) cũng chia sẻ, để nhân viên không quá vất vả, cửa hàng đã tuyển thêm nhân viên làm việc theo giờ. Một ca làm việc kéo dài 4 – 5 giờ thậm chí có thể tăng ca vào những ngày đông khách.

Đầu ca làm việc, nhân viên trang bị đồ phòng dịch để sẵn sàng “chiến đấu”. Khu vực bán hàng lẫn trong kho đều được bảo đảm an toàn nhiều lớp với khẩu trang, nước rửa tay và máy đo nhiệt độ. Nhân viên và khách hàng tại cửa hàng phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ sạch sẽ đôi tay nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong giai đoạn nhạy cảm này.

“Để nhân viên yên tâm làm việc, cửa hàng đã cho tất cả nhân viên được tiêm vắc xin phòng chống dịch, đồng thời hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng”, anh Trần Văn Trang chia sẻ thêm.

Duy trì được công việc, thu nhập trong đợt cao điểm dịch là mơ ước với nhiều người vì thế mặc dù công việc đòi hỏi tiếp xúc, giao tiếp nhiều người, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhưng với các biện pháp an toàn cuộc sống của họ đã phần nào được đảm bảo.

Bạn cũng có thể thích