Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội “tan băng” trong năm 2023

Những quyết sách được Chính phủ ban hành và triển khai quyết liệt trong thời gian gần đây đã tạo dựng lòng tin về đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản trong năm nay.

Những “nút thắt” dần được cởi bỏ

Các giải pháp khơi thông thị trường bất động sản sẽ được các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới, theo yêu cầu của Nghị quyết số 10 phiên họp thường kỳ tháng 1 năm 2023 cũng như chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ tại “Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững” được tổ chức ngày 17/2 vừa qua.

Trước đó, từ tháng 11/2022, Chính phủ, các Bộ ban ngành, Ngân hàng Nhà nước và đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp đã liên tục làm việc để nắm bắt được toàn cảnh thị trường bất động sản, nhận diện chính xác những rào cản, từ đó đưa ra các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp lẫn người mua nhà.

anh-1-34-.jpg
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đang tạo cú hích để thị trường bất động sản phục hồi

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản và dự án hiện nay là liên quan tới pháp lý. Chỉ riêng trên địa bàn thành phố, hiện có khoảng 140/700 dự án đang gặp trở ngại, vướng mắc về thủ tục. Do đó, việc Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi được thông qua vào cuối năm nay đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về chính sách pháp luật. Đây là 3 luật rất quan trọng sẽ điều tiết thị trường bất động sản đến 2030. Trong đó, chỉ riêng dự thảo Luật Đất đai đã sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều, chỉ giữ nguyên 28 điều. Điều này cho thấy những thay đổi về Luật sắp tới là rất lớn, giúp thị trường phát triển ngày càng đồng nhất, hiệu quả và minh bạch hơn.

Một “điểm nghẽn” khác cũng đang dần được khơi thông là dòng tiền khi room tín dụng của năm mới đã được mở ra, được kỳ vọng là sẽ dồi dào hơn nhiều so với năm 2022. Tại Hội nghị ngày 17/2 vừa qua, Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản.

Ngoài việc dễ dàng hơn trong việc chạm tay vào nguồn vốn, nhà đầu tư cũng dễ thở hơn khi lãi suất cho vay đang hạ nhiệt. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện đã có 16 tổ chức tín dụng đăng ký, cam kết giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5 – 2%/năm, có đơn vị giảm lãi suất cho vay tới 3,5%/năm. Động thái này giúp những người có nhu cầu vay mua nhà vừa trút được “gánh nặng” tài chính trên vai, vừa dễ huy động hơn các đòn bẩy.

Tín hiệu tích cực mà thị trường bất động sản nhận được cũng tới từ kinh tế vĩ mô. Đó là GDP duy trì được đà tăng trưởng, dự báo ở mức trên 6% năm 2023. Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng đang phục hồi, khách du lịch quốc tế tăng và nguồn vốn “chảy” vào bất động sản ổn định hơn cũng có tác dụng như những chiếc “đòn bẩy” giúp thị trường sớm lấy lại được nhịp sôi động.

Niềm tin đang trở lại với các nhà đầu tư

Những tín hiệu tích cực xuất hiện ngay từ đầu năm đang giúp các doanh nghiệp và giới đầu tư dần lấy lại lòng tin để thúc đẩy các phương án sản xuất, kinh doanh. Có thể nhìn thấy điều này trong Báo cáo tâm lý khách hàng vừa được batdongsan.com.vn công bố. Theo đó, 68% người tham gia khảo sát cho biết sẽ mua nhà, đất trong vòng 1 năm tới.

anh-2-34-.jpg
Dòng chuyển cư từ trung tâm về các đại đô thị ở phía Đông TP.HCM sẽ là xu hướng nổi bật của năm 2023

Về chỉ số giá, 80% người tham gia khảo sát vẫn nhận định giá địa ốc sẽ tăng trong 1 – 5 năm tới, với 40% dự báo mức tăng là 5 – 10% và 23% cho rằng giá nhà, đất sẽ tăng trên 10%. Trên thực tế, báo cáo mới đây của World Bank ghi nhận giá bất động sản nhà ở tại các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội đã tăng thêm từ 30 – 60% trong 2 năm qua. Soi chiếu những dữ liệu quá khứ, mức tăng giá của bất động sản cũng khoảng 15 – 20%/năm. Đây là mức khá hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư cổ phiếu, vàng, ngoại tệ.

Tuy nhiên, cho tới khi thị trường phục hồi hoàn toàn trở lại, các xu hướng mới sẽ được thúc đẩy với tốc độ nhanh hơn để phù hợp với sự thay đổi khẩu vị của nhà đầu tư. Như ở TP.HCM, làn sóng “Đông tiến” ra các khu vực vùng ven sẽ tiếp tục, khi quy mô dân số của thành phố vượt 10 triệu người, quỹ đất ở các khu trung tâm này ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Những dự án có không gian rộng lớn và tiện ích vượt trội sẽ luôn là các tọa độ sôi động, có thể kể tới như Vinhomes Grand Park, Aqua City, Swan Park hay Long Hưng City…

Thực tế, thời gian qua, các đại đô thị này đã “hút” hàng vạn người từ khu vực trung tâm TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận chuyển cư tới và cộng đồng dân cư ở đây sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai, khi các dự án giao thông trọng điểm hoàn thiện. Đây cũng chính là động lực để thị trường bất động sản phục hồi với nhịp độ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Bạn cũng có thể thích