Kỳ 1: Nghĩa tình nơi biên giới
Ươm mầm xanh nơi biên giới
Khởi hành từ Hà Nội vào sáng một ngày cuối tháng 2, hơn 4 giờ đồng hồ chạy xe, chúng tôi đã đến Đồn Biên phòng Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đã quá trưa, sau bữa ăn vội vàng, chúng tôi cùng các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ tới thăm gia đình hai em Lý Thị Ngọc và Vi Thị Lan Anh. Đây là 2 trong số 4 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đơn vị nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”.
Được biết, hai em thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ mất sớm, hiện tại, các em ở cùng với gia đình chú dì tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ. Con đường vào ngôi nhà cấp 4 của hai em đi qua nghĩa trang, có lẽ bất cứ ai không quen cũng cảm thấy ớn lạnh. Ấy vậy mà suốt những năm học vừa qua, hai cô bé nhút nhát ngày nào giờ đã trở nên mạnh mẽ, rắn rỏi…
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ cùng đại diện Đảng ủy phường Trà Cổ và Bí thư Chi bộ khu dân cư đến thăm gia đình em Vy Thị Lan Anh (Ảnh: Vũ Hảo) |
Nhớ lại những ngày đầu khi gặp hai em, Trung tá Phạm Quốc Khánh – cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Trà Cổ, tâm sự: “Tôi vẫn nhớ lần đầu tới Trường Trung học cơ sở Trà Cổ, được các thầy cô giới thiệu và chia sẻ về hoàn cảnh gia đình cũng như những nỗ lực, cố gắng của các em trong cuộc sống và trong học tập, tôi đã rất ấn tượng và trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu về các em. Về đồn, ngay lập tức, tôi báo cáo với cấp ủy, Ban chỉ huy đơn vị đã thống nhất báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh về việc nhận nuôi và hỗ trợ các cháu. Ngày 30/5/2020, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã chính thức nhận đỡ đầu hai em Lý Thị Ngọc và Vi Thị Lan Anh”.
Cùng với việc nhận đỡ đầu, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã huy động nguồn lực hỗ trợ 20 triệu đồng và ngày công của cán bộ chiến sĩ, phối hợp với chính quyền phường Trà Cổ tổ chức sửa chữa nhà ở và tặng đồ dùng thiết yếu cho gia đình hai em. Ngoài ra nhân các dịp lễ, Tết, Trung thu, khai giảng năm học mới… đơn vị đều có quà tặng riêng cho các cháu. Thấm thoắt đã gần 3 năm, hai em Lý Thị Ngọc và Vy Thị Lan Anh lớn lên trong tình yêu thương của những “người bố” mang quân hàm xanh. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng những năm qua, hai chị em đều rất nỗ lực, chăm ngoan, học giỏi…
Trung tá Nguyễn Quý Yên hướng dẫn em Lan Anh học (Ảnh: Vũ Hảo) |
Trong căn phòng học cũ kỹ theo thời gian, lật giở từng trang sách giáo khoa lớp 9, Lan Anh hào hứng kể, trong chương trình học của em có tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, câu chuyện kể về cô bạn có cha đi bộ đội khiến em say mê, thích thú lắm.
Những dịp lễ, Tết khi được vào Đồn Biên phòng chơi, bố Tuấn (Thượng tá Lê Văn Tuấn – Chính trị viên Đồn biên phòng Trà Cổ) cũng dặn em rằng: Các chú, các bác ở Đồn cũng chính là bố của con, con cũng có bố đi bộ đội thế nên con phải cố gắng học thật giỏi để không phụ công của các bố nhé.
“Trong những giấc mơ em vẫn thấy bố mẹ về. Bố mẹ động viên hai chị em chịu khó học tập và phải ngoan ngoãn, nghe lời mọi người. Sau khi bố mẹ mất, đã có những lúc hai chị em cảm thấy chông chênh và từng nghĩ tới chuyện phải nghỉ học nhưng nhờ sự tiếp sức của các chú bộ đội Biên phòng, đến nay em đã hòa nhập với các bạn, tự tin hơn vào tương lai phía trước”, Lan Anh chia sẻ.
Nỗ lực vì tương lai tươi sáng hơn
Chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh phát động và thực hiện có hiệu quả. Đến nay, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã nhận đỡ đầu 4 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng, cho đến khi các em tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Đại diện Đồn Biên phòng Trà Cổ tặng quà Tết cho gia đình một học sinh (Ảnh: Q.K) |
Thông qua các chương trình, những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, sớm thiếu bàn tay chăm sóc của cha, mẹ đã được những người lính Biên phòng đứng ra nhận nuôi dưỡng. Nhờ tình thương và trách nhiệm lớn lao của người lính quân hàm xanh mà cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi, kém may mắn ấy có cơ hội bước sang trang mới với bao hy vọng, cơ hội thay đổi số phận, thay đổi cuộc sống.
Chia sẻ với phóng viên, Trung tá Phạm Quốc Khánh cho biết: “Đây là những chương trình hết sức ý nghĩa, chính vì vậy chúng tôi đang tiếp tục vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp với chính quyền địa phương, các nhà trường rà soát xét chọn và tiếp tục nhận các trường hợp này để Đồn Biên phòng đỡ đầu. Qua đó tạo điều kiện học tập, ăn ở sinh hoạt tốt hơn đảm bảo hơn để các em có tương lai tươi sáng hơn. Thông qua chương trình giữa lực lượng cấp uỷ Đồn Biên phòng, địa phương và nhân dân trên địa bàn gắn bó hơn”.
Trung tá Phạm Quốc Khánh: Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng” thực sự ý nghĩa (Ảnh: Vũ Hảo) |
Với những việc làm thiết thực, gắn bó máu thịt cùng nhân dân, hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc ngày càng trở nên gần gũi, thân thương. Người dân cũng đã thực sự là những “cánh tay nối dài” giúp Đồn Biên phòng Trà Cổ hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần không nhỏ cùng với Bộ đội Biên phòng giữ gìn an ninh biên giới, an ninh trật tự trên địa bàn…
Trước khi ra về, nghe lời tâm sự của gia đình bà Trịnh Thị Xuân (nơi 2 em Lý Thị Ngọc và Vy Thị Lan Anh đang sinh sống), họ bày tỏ sự cảm phục nghĩa cử của những người lính Biên phòng. Mặc dù đời sống của nhiều cán bộ chiến sĩ Biên phòng còn khó khăn, nhưng họ rất giàu lòng nhân ái, vừa quyên góp, ủng hộ vật chất, tinh thần vừa không quản ngại vất vả để chăm lo, nuôi dưỡng, dạy dỗ, giúp các cháu trưởng thành.
Ai cùng thầm cảm phục và biết ơn những người lính Bộ đội cụ Hồ, không chỉ ngày đêm bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, họ còn đang nâng đỡ, chăm sóc những mầm non tương lai nơi miền biên giới còn nhiều khó khăn, nhọc nhằn.
Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” là nội dung cụ thể hóa Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Các cơ quan, đơn vị trong Bộ đội Biên phòng đã thực hiện tốt công tác quán triệt, triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” cho cán bộ chiến sĩ; làm cho cán bộ chiến sĩ thấy được mục đích, giá trị thiết thực,ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình; truyền thống gắn bó máu thịt giữa cán bộ chiến sĩ các thế hệ bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc nơi biên giới; thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, vất vả của nhân dân, ước mơ tới trường của các em học sinh. Từ đó, cán bộ chiến sĩ tích cực, tự nguyện đóng góp cả về vật chất, công sức, tận tâm thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”. |
Minh Phương
Kỳ 2: Cùng ngư dân vươn khơi
Nguồn: Báo lao động thủ đô