Rà soát pháp luật: Luật Xây dựng 2020 còn vướng mắc

Rà soát pháp luật: Luật Xây dựng 2020 còn vướng mắc

MTĐT –  Thứ tư, 08/09/2021 11:31 (GMT+7)

Mặc dù được đánh giá ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng, tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn những vướng mắc cần được tháo gỡ…

Luật Xây dựng 2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, được đánh giá ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng, tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn những vướng mắc cần được tháo gỡ để có thể phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Thực tế, quá trình rà soát khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư vừa, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đối với các dự án đầu tư công của Bộ, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong chuẩn bị dự án đầu tư, triển khai thực hiện dự án liên quan đến những quy định của pháp luật về xây dựng.

Luật Xây dựng 2020 đã và đang cho thấy còn vướng mắc - Ảnh minh họa
Luật Xây dựng 2020 đã và đang cho thấy còn vướng mắc trong quá trình thực thi – Ảnh minh họa

Cụ thể, vấn đề lập dự án đầu tư bảo trì công trình có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng, theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên thì tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình. Trong khi đó, theo Điều 5 Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, dự án đầu tư sửa chữa công trình có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng không được lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật (thiết kế 1 bước) mà phải lập dự án đầu tư (thiết kế 2 bước trở lên).

Theo ngành giao thông, việc bảo trì công trình xây dựng gồm công tác sửa chữa công trình (định kỳ hoặc đột xuất), không phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng tổng mức đầu tư có thể trên 15 tỷ đồng do khối lượng công việc cần thực hiện lớn (chiều dài tuyến đường cần bảo trì lớn). Vì vậy, để rút ngắn thời gian thực hiện, kịp thời sửa chữa công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bảo trì, nâng cao tuổi thọ công trình, đảm bảo an toàn trong khai thác, sử dụng, Bộ GTVT đề nghị sửa đổi Nghị định 15/2021/NĐ-CP, trong đó quy định đối với các dự án bảo trì công trình xây dựng chỉ phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cũng theo Bộ GTVT, việc áp dụng định mức để lập, quản lý chi phí đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công còn khó khăn, hệ thống định mức xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành còn thiếu một số định mức xây dựng công trình giao thông. Mặt khác, công nghệ, thiết bị thi công, vật liệu xây dựng thường xuyên thay đổi theo tiến bộ khoa học kỹ thuật và luôn đi trước việc xây dựng, ban hành định mức xây dựng.

Các địa phương cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án tại địa bàn - Ảnh minh họa
Các địa phương cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án tại địa bàn – Ảnh minh họa

Việc Luật Xây dựng 2020 yêu cầu áp dụng định mức xây dựng được cơ quan có thẩm quyền ban hành để lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công đã và đang gây khó khăn, vướng mắc trong việc lập, quản lý chi phí, nhất là đối với các hạng mục công trình chuyên ngành, đặc thù.

Theo Bộ GTVT, việc xây dựng, điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng là cần thiết và đang được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhưng cần có thời gian, kinh phí và có dự án, công trình, hạng mục công trình có công nghệ xây dựng tương ứng để lập, điều chỉnh định mức xây dựng. Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã có hướng dẫn việc lập chi phí đối với hạng mục công việc chưa có định mức xây dựng hoặc đã có định mức được ban hành nhưng chưa phù hợp điều kiện thực tế của công trình đã dẫn đến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Từ đó, Bộ GTVT kiến nghị sửa đổi Luật Xây dựng 2020 theo hướng không quy định bắt buộc áp dụng định mức xây dựng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, được tham khảo, vận dụng định mức như quy định trước đây tại Điều 136 Luật Xây dựng năm 2014.

Không chỉ Bộ GTVT kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2020, thực tiễn phát triển đô thị, UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, theo quy định của Luật Xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 lập cho khu vực chức năng có quy mô dưới 500 ha làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Nhưng quá trình triển khai thực hiện, một số khu chức năng dưới 500 ha nằm trong khu vực đã có đồ án quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5000 hoặc 1/2000 được phê duyệt.

Vì vậy, Luật Xây dựng yêu cầu vẫn phải lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 sẽ dẫn đến lãng phí ngân sách và thời gian, do phải thực hiện 2 loại quy hoạch tại cùng 1 khu đất. Nên, UBND TP. Hà Nội kiến nghị sửa đổi theo hướng tại một khu vực chỉ lập 1 quy hoạch phân khu và các quy hoạch trong khu vực đô thị, việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch thực hiện theo quy trình của Luật Quy hoạch đô thị.

Liên quan đến quy định đã nêu, ngoài TP. Hà Nội, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Điện Biên cũng cho hay, rất nhiều khu chức năng có diện tích nhỏ dưới 100 ha, thậm chí vài ha, như khu nghiên cứu, đào tạo, khu thể dục thể thao, khu di tích lịch sử văn hóa cách mạng. Việc lập quy hoạch phân khu xây dựng làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết có thể làm kéo dài thời gian, chi phí, làm mất cơ hội đầu tư.

Từ đó, các địa phương này đề xuất, bổ sung quy định với khu chức năng quy mô diện tích dưới 100 ha thì chỉ phải lập quy hoạch chi tiết để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích