Như thế nào bị coi là chậm đóng bảo hiểm xã hội?
– Nội dung chị hỏi, BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quyết định số 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam: Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước. Theo đó, thời hạn nộp tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hằng tháng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng.
Việc để chậm đóng tiền BHXH là một trong những hành vi bị cấm. Cụ thể tại Khoản 2 Điều 17 và Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014 quy định về việc xử lý vi phạm đối với hành vi: Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật BHXH từ 30 ngày trở lên (1.Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; 2.Chậm đóng tiền BHXH, BHTN; 3.Chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN) thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Như vậy, theo quy định trên, đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên không chỉ bị xử lý vi phạm mà còn phải nộp thêm số tiền lãi cho cơ quan BHXH; đồng thời, sẽ bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự.
B.D
Nguồn: Báo lao động thủ đô