Chuyên gia đánh giá trưởng Hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục theo ISO 21001:2018
Giáo dục là hoạt động đặc biệt và có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đối tượng của giáo dục là con người, và con người vừa là mục tiêu hướng tới trong quá trình phát triển xã hội, vừa là động lực cho sự phát triển xã hội. Chính vì vậy chất lượng giáo dục luôn là yếu tố quan tâm của toàn xã hội trong suốt quá trình phát triển của nhân loại. Giáo dục cũng khác biệt với các lĩnh vực khác đó là quá trình giáo dục thành công sẽ tối đa hóa cơ hội thành công cho người học và đóng góp lợi ích cho xã hội.
Đáp ứng nhu cầu thường xuyên và thiết yếu của các tổ chức giáo dục trong việc đánh giá mức độ tổ chức giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học và các bên quan tâm, bên hưởng lợi khác; mức độ tổ chức giáo dục đạt được thành công trong hoạt động giáo dục, cũng như nâng cao năng lực của tổ chức giáo dục trong việc duy trì liên tục việc thực hiện này; tháng 04/2018 Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) chính thức ban hành ISO 21001:2018 Tổ chức giáo dục – Hệ thống quản lý đối với tổ chức giáo dục – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng.
Tiêu chuẩn này cũng là một trong các tiêu chuẩn của ISO giúp thực hiện mục tiêu thứ 4 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc về Chất lượng giáo dục là Đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện và công bằng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục ISO 21001:2018 là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý độc lập được xây dựng theo cấu trúc cấp cao cho các tiêu chuẩn của ISO về hệ thống quản lý. Tiêu chuẩn này đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia hoàn toàn tương đương TCVN ISO 21001:2019.
Các yêu cầu cơ bản của tiêu chuẩn này cũng giống với TCVN ISO 9001 nhưng có những phần mang tính đặc thù cho hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó tiêu chuẩn cũng cung cấp các hướng dẫn chi tiết hữu ích cho việc thực hiện một số yêu cầu đối với hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục.
Việc áp dụng tiêu chuẩn giúp thể hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao uy tín của tổ chức giáo dục thông qua việc cung cấp giáo dục có chất lượng toàn diện và công bằng, chuyên biệt hóa việc học tập đáp ứng cho tất cả người học, bao gồm cả những người có nhu cầu giáo dục đặc biệt, người học từ xa và cơ hội học tập suốt đời; việc áp dụng tiêu chuẩn cũng là cách thức chứng tỏ cam kết của tổ chức giáo dục với việc cải tiến liên tục chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của người học và các bên quan tâm có liên quan; thúc đẩy văn hóa cải tiến, khích lệ sự xuất sắc và đổi mới trong tổ chức giáo dục.
Việc đào tạo đội ngũ chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục là hết sức cần thiết, nhằm xây dựng năng lực cho đội ngũ chuyên gia đánh giá của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, của các tổ chức giáo dục về các hệ thống quản lý nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu lực và hiệu quả hệ thống quản lý tiên tiến giúp đạt được các mục tiêu chung của xã hội về vấn đề giáo dục.
Thực hiện nhiệm vụ “Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa, chuyên gia đánh giá sự phù hợp của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp” thuộc Chương trình quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030” được phê duyệt tại Quyết định số 1322/QĐ-Ttg, ngày 31/08/2020 của Thủ tướng chính phủ; từ ngày 27/02/2023 đến 03/03/2023, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam tổ chức khóa đào tạo “Chuyên gia đánh giá trưởng Hệ thống quản lý chất lượng cho tổ chức giáo dục theo ISO 21001:2018”. Khóa học với sự tham dự của gần 30 học viên là các chuyên gia đến từ các tổ chức chứng nhận, tổ chức tư vấn về giáo dục, các trường đại học tại Việt Nam,…
Màn Thùy Giang