9 năm thu 1,6 triệu tỷ đồng tiền thuế đất

Giai đoạn 2013-2020, số thu từ đất đai (chuyển nhượng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất) trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước. Như vậy, trong 9 năm qua, đã có khoảng 1,6 triệu tỷ đồng tiền thu từ đất.

Ngày 28/2, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị Lấy ý kiến về quy định liên quanh đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sau 10 năm thi hành, Luật Đất đai đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong khai thác nguồn lực từ đất đai. Chính sách tài chính hoàn thiện, là cơ sở huy động khoản thu cho ngân sách nhà nước.

Theo Thứ trưởng Chi, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2013-2020, số thu từ đất đai trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước. Chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội khó khăn. Chính sách đất đai về nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đề cập đến nhiều khái niệm mới như “Quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất”, “Đất sử dụng đa mục đích”, giá đất theo “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”, “quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không”… liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính.

“Các nội dung nêu trên đều là vấn đề lớn, có tác động sâu, rộng đến nhiều mặt, nhiều tầng lớp, thành phần xã hội. Vì vậy, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức để làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tài chính đất đai quy định tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”, Thứ trưởng Chi cho biết.

9 năm thu 1,6 triệu tỷ đồng tiền thuế đất
Hội nghị Lấy ý kiến về quy định liên quanh đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh – Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), các nội dung quy định tại dự thảo Luật và các nội dung khác liên quan đến phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính như: Điều 147 về khoản thu tài chính từ đất, Điều 149 về khoản thu từ dịch vụ công từ đất đai, Điều 150, căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Điều 154 về Bảng giá đất; Điều 113 về Quỹ phát triển đất…

Ông Vũ Đình Xứng – Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh – cho biết, chính sách tài chính về đất đai gồm 2 nội dung cơ bản: giá đất và chính sách thuế. Chính sách về giá đất do Nhà nước quy định phải phù hợp với thị trường. Chính sách thuế phải là công cụ quản lý khoản thu tài chính về đất đai, nhằm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, tránh tình trạng đầu cơ, lũng đoạn về đất đai. Tuy nhiên, 2 vấn đề này quy định tại 3 luật khác nhau (Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật quản lý ngân sách). Để hiệu quả trong công tác quản lý, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Quốc hội đảm bảo đồng bộ giữa chính sách thuế, tài chính và Luật Đất đai, để có cơ chế thu đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu tăng thêm của giá trị đất mang lại.

Ông Phạm Đình Cường – nguyên Cục trưởng Quản lý Công sản – đánh giá, dường như Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang cho rằng, giá đất quá thấp và nội dung sửa đổi khiến đẩy giá đất lên. Theo ông Cường, Nhà nước quyết định giá đất và giá thị trường xoay quanh giá đất. Nếu bảng giá đất Nhà nước xây dựng tăng lên sẽ gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội.

Ông Cường đánh giá, trong toàn bộ khoản thu từ đất, thu về giao dịch đất, bảng giá đất chiếm 7-10% tổng giao dịch. Xây dựng bảng giá đất kỳ công nhưng chỉ để sử dụng một số mục đích. Việc này phải làm thế nào để bảng giá đất kiểm soát 70-80% giao dịch hiện nay.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích