Ninh Bình đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp số giai đoạn 2021-2030
(Xây dựng) – UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND về việc phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, tỉnh Ninh Bình sẽ thúc đẩy việc hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng thành quả của Cuộc cách mạng lần thứ tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trong đó tập trung phát triển 04 loại doanh nghiệp công nghệ số gồm: Các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội; Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
Đồng thời, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ số ứng dụng thành quả của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới chuyên gia, các nhà tư vấn, các nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số.
Theo kế hoạch, đến năm 2025 sẽ định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp gia công, lắp ráp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử – viễn thông trên địa bàn tỉnh chuyển dịch sản xuất kinh doanh từ bị động về công nghệ số sang chủ động nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm công nghệ số; phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 02 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới; 03 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực.
Ngoài ra, phấn đầu đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đáp ứng yêu cầu hỗ trợ xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, phát triển kinh tế số, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh; giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 05 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới và trên 12 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực.
Nguồn: Báo xây dựng