Ấn Độ: Tái chế đầu lọc thuốc lá thành đồ hữu ích
Ấn Độ: Tái chế đầu lọc thuốc lá thành đồ hữu ích
Theo dõi MTĐT trên
Năm 2018, khi anh em Naman và Vipul bắt tay vào thực hiện ý tưởng tái chế đầu lọc thuốc lá, họ không ngờ rằng chỉ vài năm sau đó, hàng triệu đầu mẩu thuốc lá có thể được xử lý để tạo thành các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Trên thế giới, các sáng kiến đặc biệt đang được thực hiện để bảo tồn năng lượng, giảm thu hoạch nguyên liệu thô, giảm thiểu khí nhà kính và cắt giảm ô nhiễm… Đối với chàng trai Ấn Độ 28 tuổi Naman Gupta, những mẩu thuốc lá vương vãi khắp nơi ở quê nhà đã thôi thúc anh làm một điều gì đó để tận dụng chúng.
Năm 2018, khi anh em Naman và Vipul bắt tay vào thực hiện ý tưởng tái chế đầu lọc thuốc lá, họ không ngờ rằng chỉ vài năm sau đó, hàng triệu đầu mẩu thuốc lá có thể được xử lý để tạo thành các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.
Trong 5 năm qua, Naman cùng anh trai Vipul điều hành một công ty có tên là Code Effort ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ với nhà máy rộng khoảng 3.000 m2.
Naman cho biết, họ đã tái chế hơn 300 triệu đầu mẩu thuốc lá thu lượm từ đường phố và đã biến chúng thành một số sản phẩm, bao gồm văn phòng phẩm, đồ trang trí nhà cửa và đồ chơi.
Giải quyết vấn nạn rác thải từ đầu lọc thuốc lá
Đầu lọc thuốc lá trông giống như bông trắng nhưng được làm bằng sợi nhựa, chủ yếu là cellulose axetat và có thể mất tới 10 năm để phân hủy. Tuy nhiên, khi phân hủy, chúng trở nên độc hại hơn và gây ô nhiễm môi trường. Nếu cứ 3 đầu mẩu thuốc lá chỉ có 1 đầu lọt vào thùng rác. Việc quản lý những đầu mẩu không vào thùng rác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, Ấn Độ là nước tiêu thụ và sản xuất thuốc lá lớn thứ hai thế giới. Thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật, đồng thời chịu trách nhiệm đối với gần 1,35 triệu ca tử vong mỗi năm. Hiện tại, ở Ấn Độ không có hướng dẫn hoặc quy định cụ thể nào về quản lý và tái chế chất thải thuốc lá phù hợp.
Code Effort đang tái chế từng bộ phận của đầu mẩu thuốc lá, gồm 3 thành phần: Sợi, giấy và lá thuốc. Lá thuốc được chuyển thành bột ủ, giấy được chuyển thành bột giấy và biến thành thuốc chống muỗi đốt được sử dụng trong mùa Hè.
Naman cho biết, thành phần thứ 3 là xơ, vốn là một loại vật liệu dạng bông. Thành phần này được trải qua nhiều quy trình khác nhau để tạo thành vật liệu được sử dụng trong đồ chơi mềm, chăn, gối và các sản phẩm khác.
Code Effort đã hợp tác với hơn 2.000 người nhặt rác trên khắp Ấn Độ để thu gom đầu mẩu thuốc lá. Ngoài ra, bất kỳ ai cũng có thể gửi hoặc tặng đầu lọc thuốc lá của mình để tái chế.
Code Effort đã tạo ra một mô hình kinh doanh trong đó các công ty liên kết (thông qua mạng lưới hiện tại gồm hơn 250 quận ở Ấn Độ) nhận tiền từ nguồn cung cấp của mình.
Gần đây, công ty đã đưa ra nhiều sản phẩm hơn như sổ nhật ký, sổ ghi chú, phong bì và các mặt hàng khác, trong đó các loại túi xách, và nhận được phản hồi tốt.
Định hướng cho tương lai
Theo Naman, Code Effort hiện xử lý hơn 1 tấn mỗi ngày, tương đương 3,5 triệu đầu lọc. Bằng cách tái chế chúng, công ty đang góp phần giúp môi trường sống trong sạch hơn và tạo ra sinh kế cho nhiều người là nhân viên của công ty. Ngoài ra, Code Effort cũng đang giúp mọi người bỏ hút thuốc thông qua các trung tâm cai nghiện và hợp tác với nhiều nhóm khác nhau.
Naman đã lên kế hoạch tái chế 300 – 400 tấn đầu lọc thuốc lá hàng tháng vào năm 2025, chiếm khoảng 5% – 6% tổng số đầu lọc được thải ra hàng năm ở Ấn Độ. Code Effort có dự kiến mở rộng hơn nữa danh mục sản phẩm của mình, bao gồm máy lọc không khí, gọng kính mắt, sản phẩm hấp thụ âm thanh…
“Đến năm 2026, mục tiêu của chúng tôi là tái chế ít nhất 35 tỷ đầu mẩu thuốc lá” – Naman cho biết. Code Effort cũng có kế hoạch cùng với đối tác để phát triển các giải pháp thay thế cho việc sản xuất chất bán dẫn.
Đây sẽ là một bước bùng nổ lớn trong công nghệ vì vật liệu đang được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn và tụ điện tương tự vật liệu đang được sử dụng để làm đầu lọc thuốc lá.
Theo doanh nhân Naman, sống sạch và bền vững về cơ bản liên quan đến tư duy của mỗi người. Tuy nhiên, nếu một người nuôi dưỡng những quan niệm này, họ sẽ có những tác động tích cực trong cuộc sống. Naman Gupta tin tưởng mạnh mẽ rằng để bảo tồn môi trường đang cạn kiệt, nỗ lực của mỗi người là rất quan trọng và có thể thay đổi tình hình.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị