50% sao trời “biến mất” do ô nhiễm ánh sáng toàn cầu gia tăng

50% sao trời “biến mất” do ô nhiễm ánh sáng toàn cầu gia tăng

An Đông –  Thứ hai, 27/02/2023 11:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ô nhiễm ánh sáng toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng khiến số lượng các ngôi sao có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời đêm giảm hơn một nửa trong vòng 18 năm qua.

Đó là kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Thiên văn học, Quang học-Hồng ngoại Mỹ và đã công bố trên Tạp chí Science mới đây.

Để nghiên cứu sự thay đổi độ sáng bầu trời toàn cầu bởi ánh sáng nhân tạo, các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng các quan sát sao từ năm 2011-2022, do hơn 51.000 “nhà khoa học công dân” trên khắp thế tham gia trong dự án “Quả địa cầu vào ban đêm”. Họ khẳng định cứ sau mỗi năm, cường độ chiếu sáng ban đêm ngoài trời trên toàn cầu lại tăng thêm 9,6%.

Tiến sĩ Christopher Kyba, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết hầu hết các quan sát sao bằng mắt thường được thực hiện từ châu Âu và Mỹ nhưng cũng có sự tham gia tích cực ở Uruguay, Nam Phi và Nhật Bản.

Ô nhiễm ánh sáng là việc con người tạo ra ánh sáng quá mức, gây khó chịu. Nó là một phần tác động của nền văn minh công nghiệp, bắt đầu từ những nguồn như: Ánh sáng ở mặt tiền của các toà nhà cũng như bên trong các toà nhà, đèn quảng cáo, các cơ sở công nghiệp, văn phòng, nhà máy, đường phố và các trung tâm thể thao.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Trong phần lớn lịch sử loài người, các ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời đêm tối. Nhưng từ khi Cách mạng Công nghiệp nổ ra, ánh sáng nhân tạo thắp sáng ngày càng nhiều nơi khiến các ngôi sao dần “biến mất”.

Giới thiên văn học lâu nay phụ thuộc vào bầu trời tối đen để tiến hành hoạt động nghiên cứu. Suốt nhiều thập kỷ họ đặt kính viễn vọng ở những nơi tối nhất của Trái đất nhằm tránh tình trạng ô nhiễm ánh sáng.

Ngày nay, hầu hết mọi người sống ở thành phố hoặc vùng ngoại ô được thắp sáng về đêm – làm giảm đáng kể khả năng nhìn thấy sao trời.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy, ô nhiễm ánh sáng ở châu Âu và Bắc Mỹ không đổi hoặc giảm nhẹ trong thập kỷ qua, nhưng tình hình ở các khu vực khác như châu Phi, châu Á, Nam Mỹ lại trầm trọng hơn. Ô nhiễm ánh sáng còn bị đánh giá thấp vì vệ tinh không ghi nhận được ánh sáng xanh từ đèn LED.

Dữ liệu từ dự án khoa học Globe at Night chỉ ra, mỗi năm bầu trời về đêm sáng thêm trung bình 9,6%. Bầu trời càng sáng thì số ngôi sao nhìn thấy càng ít đi. Nếu xu hướng trên tiếp tục diễn ra, một đứa trẻ sinh ra hôm nay ở nơi có thể nhìn thấy 250 ngôi sao sẽ chỉ nhìn thấy 100 ngôi sao vào sinh nhật 18 tuổi.

Theo nghiên cứu, thị phần đèn LED toàn cầu cho hệ thống chiếu sáng công cộng mới đã tăng từ dưới 1% vào năm 2011 lên 47% vào năm 2019.

Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp

Thủ phạm chính làm tăng độ sáng của bầu trời về đêm là quá trình đô thị hóa và việc sử dụng ngày càng nhiều LED chiếu sáng ngoài trời.

Ô nhiễm ánh sáng đe dọa đến công tác nghiên cứu của giới thiên văn học, nhưng người dân thường cũng bị ảnh hưởng. Hàng nghìn năm qua bầu trời đêm đầu sao là cảm hứng cho nghệ sĩ, nhà văn, triết gia, đem lại cảm xúc không gì thay thế được cho rất nhiều người.

Ô nhiễm ánh sáng cũng làm thay đổi chu kỳ sáng tối mà động thực vật dựa vào để điều chỉnh giấc ngủ, chế độ dinh dưỡng và sinh sản. 2/3 khu vực đa dạng sinh học quan trọng của thế giới bị ảnh hưởng.

Từng cá nhân hay cộng đồng có thể góp phần giải quyết bằng cách sử dụng ánh sáng phù hợp, đúng nơi, đúng thời điểm; che chắn để thiết bị chiếu sáng ngoài trời để chúng chiếu xuống mặt đất; dùng đèn phát ra nhiều ánh sáng vàng hơn ánh sáng trắng; đặt hẹn giờ phát sáng hoặc dùng cảm biến chuyển động.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích