Ô nhiễm không khí: Những “rủi ro” đối với trẻ em

Ô nhiễm không khí: Những “rủi ro” đối với trẻ em

MTĐT –  Chủ nhật, 26/02/2023 14:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 90% trẻ em đang hít thở không khí độc hại mỗi ngày. Việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, tình hình học tập và hạnh phúc tổng thể của trẻ em.

Ô nhiễm không khí đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển khỏe mạnh của trẻ nhỏ. Ảnh: ISTi
Ô nhiễm không khí đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển khỏe mạnh của trẻ nhỏ. Ảnh: IST

Tuần này đánh dấu kỷ niệm 10 năm ngày mất của cô bé chín tuổi người Anh Ella Kissi-Debrah, đứa trẻ đầu tiên trên thế giới được ghi nhận tử vong vì “ô nhiễm không khí”. Điều tra viên cho biết, nồng độ NO2 trong khu phố mà Ella sống ở phía Nam London vượt quá giới hạn trung bình năm cho phép (40µg/m3), trong khi nồng độ bụi PM vượt quá khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới WHO (tại thời điểm đó là 10µg/m3 với PM2,5 và 20µg/m3 với PM10). Trích dẫn mối liên hệ mạnh mẽ giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ hen suyễn, điều tra viên thông báo rằng “Ella chết vì hen suyễn do tiếp xúc với ô nhiễm không khí quá mức”.

Cuộc điều tra lịch sử này chỉ diễn ra vì mẹ Ella đã nhiều năm đấu tranh với chính quyền nhằm chứng minh cô bé mất vì tình trạng ô nhiễm không phải hít thở mỗi ngày chứ không đơn thuần là do bệnh tật bộc phát. Trong hai năm cuối đời, Ella đã phải nhập viện gần 30 lần và phổi bị tổn thương nghiêm trọng. Mẹ Ella nói rằng khi cô bé còn sống, họ không biết chính xác nguyên nhân nào gây ra cơn hen suyễn của con, nhưng chị ngờ là nếu không có mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời vượt quá mức cho phép mà cô bé phải tiếp xúc trong nhiều năm thì Ella có thể đã không ra đi như vậy.

Trường hợp của Ella là một lời cảnh tỉnh cho toàn thế giới, buộc nhiều nước phải cân nhắc việc ban bố các sắc lệnh về không khí sạch. Thành thật mà nói, ô nhiễm không khí không phải là điều mới mẻ nhưng hầu hết mọi người đều rất tệ trong việc nhận ra các loại rủi ro “vô hình” như thế. Mối quan hệ nhân quả giữa chúng không cụ thể như một trận lụt cuốn trôi một chiếc xe hay một đám cháy phá hủy một căn nhà, do vậy người ta ít cảnh giác hơn với những mối nguy hiện hữu dài ngày. Nhưng tiếp xúc lâu dài với không khí bị ô nhiễm sẽ khiến sức khỏe con người bị suy giảm nghiêm trọng.

Trẻ em đặc biệt có mối nguy cao hơn người lớn vì chúng thở nhanh hơn và hấp thụ nhiều chất ô nhiễm hơn. Trẻ em cũng hít thở không khí gần mặt đất hơn, nơi một số chất ô nhiễm đạt đến nồng độ cao nhất – vào thời điểm mà cả não bộ và cơ thể còn đang phát triển.

TS. Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường Đại học Y tế Công cộng), một trong những nhà khoa học tiên phong về tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam, cảnh báo: “Việc tiếp xúc thường xuyên với ô nhiễm không khí trong thời thơ ấu có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của trẻ nhỏ và để lại hậu quả lâu dài cho tương lai của chúng”.

Những nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe thể chất liên quan đến việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí, chẳng hạn như hen suyễn và tim mạch, đã được ghi nhận rõ ràng trong nhiều thập kỷ. Nhưng chỉ trong khoảng 10 năm qua, các nhà nghiên cứu mới bắt đầu hiểu ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến não như thế nào.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng các chất ô nhiễm không khí nhỏ, chẳng hạn như các hạt siêu mịn từ khí thải xe, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến não bằng cách di chuyển qua mũi và vào não, hoặc gián tiếp bằng cách gây viêm và thay đổi phản ứng miễn dịch trong cơ thể, sau đó đi vào não.

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) có nhiều trong không khí ô nhiễm sẽ làm giảm khả năng kiểm soát ức chế của trẻ nhỏ, dẫn đến thay đổi nền tảng hình thành các kỹ năng học tập – chẳng hạn như khiến trẻ khó tập trung hơn hoặc phản ứng chậm chạp hơn.

Những đứa trẻ tiếp xúc nhiều năm với không khí ô nhiễm (PM2,5, PM10, NO2, NO) dù ở mức độ tương đối thấp cũng có thể gây ra trầm cảm và lo lắng. Báo cáo của WHO tiết lộ rằng phụ nữ mang thai tiếp xúc với không khí ô nhiễm có nhiều khả năng sinh non và có con nhẹ cân hơn.

Vì hít thở là điều đương nhiên và nhiều đứa trẻ không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống ở những khu vực độc hại nhất nên có thể nói, ô nhiễm không khí đang thực sự kìm hãm tương lai của thế hệ trẻ.

Có thể làm gì để cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe của trẻ em?

Có nhiều chiến lược để thúc đẩy giảm ô nhiễm không khí từ cấp độ cá nhân đến chính quyền và cộng đồng. Mặc dù có vẻ nhỏ bé nhưng sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp hoặc đơn giản là đi bộ là một trong những cách hiệu quả nhất mà mỗi người có thể làm để hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm và giảm lượng khí thải ô nhiễm mà mình tạo ra.

Việc hạn chế sử dụng xe máy cũng khiến các em ít phải tiếp xúc với các chất độc hại hơn. TS. Thái Khánh Phong (Đại học Queensland, Úc) từng đo lường mức độ phơi nhiễm của những người tham gia giao thông bằng xe máy, xe bus, ô tô ở Hà Nội vào năm 2019, cho biết: “Người ngồi trên xe máy phải tiếp xúc với nồng độ carbon đen cao gấp ba lần so với người ngồi trên ô tô hoặc xe bus. Tuy nhiên xe máy (chủ yếu do phụ huynh chở) lại là một trong những phương tiện đi học phổ biến nhất của các em ở thành phố”.

Xe buýt trường học ở Singapore. Ảnh: Straitstimes
Xe buýt trường học ở Singapore. Ảnh: Straitstimes

Một nghiên cứu khác điều tra việc phơi nhiễm trên những cung đường di chuyển ở TP.HCM chỉ ra rằng tốc độ mở rộng đô thị nhanh chóng đang làm gia tăng khoảng cách di chuyển, thời gian và sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân từ các khu vực ngoại vi đô thị đến trung tâm thành phố. Kết quả là, những người đi xe máy từ ngoại thành vào phải hít liều lượng các chất ô nhiễm bụi (PM1, PM2,5, PM10, và PM2,5–10) cao hơn đáng kể so với chiều ngược lại từ nội thành ra ngoại thành.

Chính vì vậy, chúng ta có thể kêu gọi chính quyền địa phương đưa ra những chính sách hỗ trợ giao thông công cộng nhắm thẳng đến trẻ em để giảm tác động mà các em phải hứng chịu khi di chuyển quãng đường đi học dài. Mỹ là một ví dụ điển hình cho vấn đề này với lực lượng xe buýt trường học chiếm tới 90% tổng đội xe bus cả nước và chở 25 triệu trẻ em đi học mỗi ngày. Một số chính quyền bang như New York và California đã triển khai các chương trình “Xe buýt cho không khí sạch” nhằm cung cấp các khoản trợ cấp để trang bị thêm xe buýt và dây an toàn cho các tuyến buýt trường học. Nhiều nước như Singapore, Úc, Mexico… cũng đã triển khai những mô hình tương tự.

Sơn vạch kẻ đường trên tuyến đường Quang Trung - Nhà Chung (Hà Nội) để dành 1/3 vỉa hè cho trẻ đi bộ đến trường. Ảnh: Live&Learn, 2020
Sơn vạch kẻ đường trên tuyến đường Quang Trung – Nhà Chung (Hà Nội) để dành 1/3 vỉa hè cho trẻ đi bộ đến trường. Ảnh: Live&Learn, 2020

Một biện pháp khác mà các trường học và chính quyền có thể bắt tay làm là tạo ra các tuyến đường đi bộ an toàn cho trẻ nhỏ. Họ có thể dành ra một khoảng hành lang, tăng cường cây xanh và giảm lấn chiếm vỉa hè để học sinh thuận tiện hơn khi đi bộ đến trường. Hà Nội đã từng thử nghiệm giải pháp như vậy cho 5 trường mầm non, tiểu học, trung học tại quận Hoàn Kiếm vào năm 2020 và đạt được nhiều phản hồi đáng khích lệ.

Chính quyền thành phố cũng có thể lập bản đồ các tuyến đường đi bộ với mức độ ô nhiễm không khí tối thiểu để trẻ em hoạt động tốt hơn. Điều này đặc biệt quan trọng ở những trung tâm đông đúc và chật hẹp, nơi nhiều trẻ em sử dụng các biện pháp phơi nhiễm cao như đi bộ để đến trường.

Bên cạnh những biện pháp can thiệp lớn phải mất nhiều thời gian, người ta cũng có thể khuyến khích áp dụng các can thiệp cá nhân đơn giản nhưng hiệu quả tức thì, ví dụ đeo khẩu trang. Các thí nghiệm cho thấy hầu hết các vật liệu làm khẩu trang đều có thể lọc ít nhất 50% các hạt bụi lớn hơn 1 micron trong không khí, tốt hơn nhiều so với việc không đeo khẩu trang.

Tập thói quen đeo khẩu trang cho trẻ nhỏ khi ra đường. Ảnh: Zing
Tập thói quen đeo khẩu trang cho trẻ nhỏ khi ra đường. Ảnh: Zing

Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang cho trẻ em vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức vì nhiều đứa trẻ cảm thấy vướng víu, khó chịu hoặc cố tình bỏ ra khẩu trang ra. Trong một khảo sát trên 15.000 trẻ em từ 12-14 tuổi ở TP.HCM*, Th.S Lê Huỳnh Thị Cẩm Hồng (nghiên cứu sinh Khoa học Sức khỏe tại Đại học Queensland) tiết lộ, “Khác với người lớn ít nhạy cảm với các đánh giá từ xã hội, trẻ em đeo khẩu trang thường bị ảnh hưởng bởi thói quen của người lớn và nhìn nhận của bạn bè. Nhiều trẻ em, đặc biệt là các bé trai, vẫn lo lắng về việc nhìn yếu ớt, bệnh tật hoặc khác biệt với bạn bè nếu chúng dùng khẩu trang.”

Do vậy, để giúp trẻ em hình thành thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, các chương trình can thiệp không chỉ cần giáo dục, nâng cao nhận thức của trẻ em về tác hại và những mối nguy do khói, bụi, virus trong không khí gây ra mà còn phải tăng cường sự tham gia của bạn bè đồng trang lứa, sử dụng phụ huynh/giáo viên như một tấm gương cho các thực hành động thực hành sức khỏe tốt, và biến việc đeo khẩu trang trở thành một phần bình thường hoặc thời trang trong cộng đồng của đứa trẻ.

*Chương trình LASER PULSE “Giảm ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông: Phối hợp đa ngành giữa y tế, giáo dục và môi trường nhằm giảm tác động của ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông trên trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, 2021-2022” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích