Mozambique: Sơ tán người dân trước khi bão Freddy đổ bộ

Mozambique: Sơ tán người dân trước khi bão Freddy đổ bộ

MTĐT –  Thứ bảy, 25/02/2023 10:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mozambique đã phải ứng phó với lũ lụt nghiêm trọng những ngày gần đây. Chính phủ nước này đã ban bố “cảnh báo đỏ” để đẩy nhanh các hoạt động ứng phó bão Freddy.

Ngày 24/2, nhà chức trách Mozambique đã khuyến cáo người dân tìm nơi trú ẩn an toàn, trong khi cảng Beira lớn nhất nước này phải đóng cửa đề phòng cơn bão nhiệt đới Freddy đổ bộ.

Cơ quan dự báo thời tiết của Pháp Meteo France cho biết, theo dữ liệu của trạm quan trắc khí tượng trên đảo La ở Ấn Độ Dương, cơn bão Freddy dự báo đổ bộ gần thành phố du lịch Vilankulo ở phía Nam tỉnh Inhambane của Mozambique vào trưa 24/2 (giờ địa phương). Các hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều cư dân ở thành phố Vilankulo đang phải tạm lánh tại một trường học trong khi gió bắt đầu mạnh ở ven biển.

tm-img-alt
Người dân di chuyển trên đoạn đường ngập lụt tại Maputo, Mozambique ngày 11/2/2023. Ảnh: AFP

Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), bão Freddy có thể gây lũ lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 1,75 triệu người ở Mozambique. OCHA cho biết, dự báo trong những ngày tới, bão sẽ gây mưa lớn ở các tỉnh Gaza, Manica, Maputo, Inhambane và Sofala. Liên hợp quốc và các đối tác đang hỗ trợ Chính phủ Mozambique ứng phó cơn bão.

Cơn bão Freddy đã ập vào Madagascar đầu tuần này, phá hủy nhà cửa, khiến hàng nghìn người phải di dời và làm ít nhất 7 người thiệt mạng. Bão đã suy yếu khi quét qua Madagascar trước khi mạnh trở lại ở Kênh Mozambique.

Tại Zimbabwe, nơi dự báo sẽ có mưa lớn do ảnh hưởng của bão Freddy, Bộ Giáo dục đã cho học sinh tại 6 tỉnh tạm thời nghỉ học.

Mozambique đã phải ứng phó với lũ lụt nghiêm trọng những ngày gần đây. Chính phủ nước này đã ban bố “cảnh báo đỏ” để đẩy nhanh các hoạt động ứng phó bão Freddy.

Meteo France dự báo, sau khi đổ bộ vào Mozambique, cơn bão Freddy sẽ suy yếu nhưng sẽ gây mưa ở các khu vực miền Nam Mozambique, Đông Nam Zimbabwe và Đông Bắc Nam Phi.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích