Sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau ô nhiễm bụi

Sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau ô nhiễm bụi

MTĐT –  Thứ bảy, 25/02/2023 08:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tiếng ồn là những âm thanh không mong muốn, gây khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng tới quá trình làm việc, nghỉ ngơi và tác động đến sức khỏe con người.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau bụi. WHO khuyến cáo tiếng ồn trung bình không vượt quá 40 decibel tại các khu vực dân cư vào ban đêm để phòng tránh sự tác động đến sức khỏe.

Theo QCVN 24:2016/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – Mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc) với thời gian tiếp xúc với tiếng ồn 8 giờ thì giới hạn cho phép mức áp suất âm tương đương 85 decibel, thời gian tiếp xúc càng giảm thì giới hạn cho phép càng tăng.

Tác hại của ô nhiễm tiếng ồn đối với sức khỏe con người
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đo thính lực hoàn chỉnh cho người lao động.

Tiếng ồn gây ra sự tác hại trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người như: gây giảm thính lực, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn giấc ngủ, thay đổi chức năng miễn dịch… Tiếng ồn là nguyên nhân dẫn đến bệnh điếc nghề nghiệp (ĐNN), không có khả năng hồi phục.

Theo thống kê của Hội chống tiếng ồn thế giới (AICB) tại các nước công nghiệp trung bình có ¼-1/3 số công nhân phải lao động trong môi trường có tiếng ồn. Bệnh ĐNN luôn đứng đầu trong các bệnh nghề nghiệp ở nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, ĐNN là một bệnh có tỷ lệ mắc đứng thứ hai trong số các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm sau bệnh bụi phổi-silic; hàng năm có khoảng từ 250 đến 500 trường hợp được Viện giám định Y khoa kết luận là bị bệnh ĐNN.

Đặc điểm của tiếng ồn tác động đến sức khỏe con người

Mỗi loại tiếng ồn có các đặc điểm về cường độ, tần số, tính chất khác nhau và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người khác nhau.

Về cường độ: tiếng ồn có cường độ càng cao càng gây tác hại nhiều và bệnh nặng hơn.

Về tần số: tiếng ồn có phổ tần số cao gây tổn thương cho cơ quan thính giác hơn tần số trầm.

Về tính chất: tiếng ồn loại ngắt nhịp bao giờ cũng gây tác hại hơn là các tiếng ồn liên tục và thời gian tiếp xúc với tiếng ồn càng lâu càng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Bên cạnh đó, tùy vào tính cảm thụ của từng cá nhân với tiếng ồn mà tiếng ồn ảnh hưởng tới sức khỏe mỗi người khác nhau. Bao gồm:

Tính mẫn cảm: là tính dễ mắc bệnh của cơ quan thính giác của từng người đối với tiếng ồn, những người có cơ quan thính giác dễ nhạy cảm với tiếng ồn thì dễ mắc bệnh hơn.

Tuổi đời: những người nhiều tuổi dễ mắc bệnh hơn người trẻ tuổi.

Giới tính: có nhiều nghiên cứu tính cảm thụ với tiếng ồn giữa nam và nữ thấy những chấn thương do tiếng ồn gặp ở nam nhiều hơn.

Tình trạng cơ quan nghe: người có tổn thương bệnh lý sẵn ở tai dễ gây điếc nghề nghiệp hơn người khỏe mạnh.

Để bảo vệ sức khỏe trước các loại tiếng ồn có hại trong môi trường làm việc, môi trường sống xung quanh mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Đối với cá nhân:

Sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân khi làm việc trong môi trường quá ồn ào như nút tai, chụp tai hoặc làm việc trong các phòng riêng biệt cách ly với nguồn gây ồn. Đây là biện pháp vô cùng quan trọng.

Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để kiểm tra thính lực và các bệnh liên quan tới tiếng ồn.

Cố gắng tránh xa những nơi có tiếng ồn lớn như công trường, các buổi biểu diễn nhạc sôi động, vũ trường.

Giảm âm lượng khi xem TV, nghe nhạc đặc biệt là khi đeo tai nghe.

Đối với các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sức khỏe người lao động như:

Giảm tiếng ồn từ nguồn phát sinh: thay đổi hình dạng vật liệu, giảm tốc độ, bôi trơn dầu mỡ, đệm bằng cao su, chất đàn hồi, lò xo, thay thế kim loại bằng chất dẻo,…

Giảm tiếng ồn bằng cách ly nguồn phát sinh tiếng ồn, bọc kín máy gây ồn, làm hệ thống cửa ra vào, tường dày, gạch rỗng, vật liệu xốp,…

Giảm tiếng ồn bằng hấp thu bề mặt và phản xạ tại chỗ: sử dụng các vật liệu hấp thụ tiếng ồn như len, thủy tinh, dạ, sợi gỗ, sơn đặc biệt.

Bố trí máy móc, sắp xếp dụng cụ hợp lý.

Ngoài ra người lao động cũng nên khám sức khỏe trước khi xin việc để các cơ quan, doanh nghiệp quản lý sức nghe bố trí công việc hợp lý.

BS.Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích