Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai tại tỉnh Quảng Bình
Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai tại tỉnh Quảng Bình
Theo dõi MTĐT trên
Sáng 24/2, tại TP. Đồng Hới đã diễn ra Hội nghị dự thảo Luật Đất đai và nghe báo cáo của 12 tỉnh thành phố về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai, 1 số ý kiến đóng góp dự thảo luật của các tầng lớp nhân dân, những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về dự và Chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lãnh đạo các bộ ngành liên quan, các Ủy ban Kinh tế, Pháp luật, Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội và Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên (đại diện của 12 tỉnh, thành).
Tại Hội nghị, 12 tỉnh, thành phố báo cáo về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai, một số ý kiến đóng góp dự thảo luật của các tầng lớp nhân dân, những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Lãnh đạo các địa phương góp ý cụ thể vào từng chương mục, những kiến nghị sửa đổi đến Ban soạn thảo dự án luật; Những khó khăn vướng mắc từ thực tế địa phương.
Hội nghị nghe đại diện 12 tỉnh, thành phố báo cáo về kết quả lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tầng lớp nhân dân, những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Các địa phương góp ý cụ thể vào từng chương, mục, điều khoản của dự thảo Luật; những kiến nghị sửa đổi các điều luật; Những khó khăn vướng mắc từ thực tiễn cuộc sống. Các địa phương cho rằng, thời gian thảo luận, lấy ý kiến của người dân hơi ngắn, khó có thể tìm hiểu kỹ, thống nhất trong nhân dân.
Các đại biểu tập trung làm rõ 4 vấn đề lớn. Một là cần rõ các khái niệm. Cụ thể như khái niệm Nhà nước là đại diện cho “sở hữu toàn dân”, vậy Nhà nước ở đây là ai?; Khái niệm “toàn dân” được hiểu thế nào cho đúng, cần xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ. Vấn đề thứ hai là vấn đề quy hoạch. Vấn đề thứ 3 là giá đất, phương pháp xác định giá đất và vấn đề thứ tư là thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều với 10 chính sách mới.
Thứ nhất là Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.
Thứ hai là hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Thứ ba là Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Thứ tư là hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất; Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
Thứ năm hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.
Thứ sáu là hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất.
Thứ bảy là hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.
Thứ tám là Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.
Thứ chín là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Điểm mới thứ 10 là Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
“Quốc hội, Chính phủ hiện nay xác định đây là nhiệm vụ chung, có hoàn thành thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương hay không chứ không phân biện nhiệm vụ cơ quan trình hay cơ quan thẩm định nữa. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý nhà nước, các cấp ủy Đảng và chính quyền. Để Bộ luật này trở thành một bộ luật người dân trông đợi, bộ luật sát với thực tiễn; bộ luật giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay của tất cả các cơ quan, đơn vị địa phương; Bộ luật đặt ra nhiều chính sách có tầm nhìn xa, sức sống dài, có tính khả thi, giải quyết được, giải phóng được nguồn lực đất đai” – Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị