Đại học Quốc tế Miền Đông phải là Trung tâm đổi mới sáng tạo của Bình Dương
EIU tiên phong xây dựng hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
Tại buổi làm việc, TS. Ngô Minh Đức – Hiệu trưởng Nhà trường đã trình bày báo cáo về kết quả hoạt động của EIU trong những năm vừa qua, đặc biệt là kết quả hoạt động nổi bật của Trường trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động cho các doanh nghiệp tại Bình Dương. Tổng công ty Becamex và EIU là đơn vị tiên phong xây dựng hệ sinh thái ĐMST, khởi nghiệp hiện đại tiếp cận chuyển đổi CN 4.0. EIU được đầu tư, thành lập để hoàn thiện hệ sinh thái Becamex.
Trong chiến lược phát triển dài hạn, EIU đã có những giải pháp cụ thể đó là hình thành hệ sinh thái thứ cấp ngay trong nhà trường bao gồm các đơn vị có mối tương quan chặt chẽ với nhau như: Trung tâm thí nghiệm chế tạo Fablab, Vườn ươm doanh nghiệp Becamex, Công ty Aspire…nhằm góp phần thúc đẩy, thu hút và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại Bình Dương qua nhiều hoạt động cụ thể.
Đặc biệt, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Công nghiệp 4.0 nhằm hỗ trợ chuyển đổi các mô hình sản xuất thâm dụng lao động sang các hình thức sản xuất thâm dụng tri thức và tự động hóa. Từ đó góp phần phát triển và đẩy mạnh giá trị gia tăng cho địa phương và các vùng lân cận. Ngoài ra, trong năm vừa qua, Becamex IDC và EIU cũng đã cho xây dựng Trung tâm sản xuất tiên tiến – AMC, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các giải pháp gia công đa dạng, hỗ trợ tính toán thiết kế và đo lường, đảm bảo chất lượng.
Đây là những bước tiến rất quan trọng, khẳng định sự hoàn thiện của hệ sinh thái sáng tạo tại EIU, qua đó đóng góp trực tiếp vào công tác đào tạo trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp; đồng thời thu hút nguồn nhân lực hàm lượng chất xám cao đến địa phương; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp; chuyển giao kiến thức và công nghệ tạo ra giá trị mới góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
Với vai trò là trường đại học của doanh nghiệp, Nhà trường hiện đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực cần thiết theo định hướng phát triển của địa phương như Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Điều dưỡng. Trong suốt thời gian hoạt động, EIU vẫn luôn tập trung đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo chất lượng, nghiên cứu khoa học, ký kết hợp tác với nhiều đối tác từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… và kết nối với hơn 280 doanh nghiệp trong và ngoài nước phục vụ các hoạt động giảng dạy – học tập, kết quả 100% sinh viên tốt nghiệp đạt IELTS tối thiểu 6.0, 91% tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường, trong đó có hơn 50% làm việc cho công ty liên doanh nước ngoài và được đánh giá cao kiến thức chuyên môn, khả năng sử dụng ngoại ngữ và tính cách năng động, sáng tạo, thích nghi nhanh với môi trường làm việc thực tế. Trong tương lai, nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và cho tỉnh Bình Dương nói chung, Nhà trường cũng có kế hoạch mở các ngành đào tạo mới như Kinh tế, Điện tử viễn thông, Khoa học máy tính… đặc biệt là phát triển đào tạo khối khoa học sức khỏe.
Sau khi nghe lãnh đạo EIU báo cáo, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương – Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh chỉ đạo: EIU phải bắt nhịp được xu hướng chuyển đổi số để phát huy trong vai trò là 1 trong 3 nhà (nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp) nhằm xây dựng Thành phố Thông minh Bình Dương. Tiếp tục là đại học phi lợi nhuận, phục vụ cộng đồng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đi đầu của tỉnh, tiếp tục hỗ trợ thêm nhiều học bổng thu hút nhân tài.
Bí thư đề nghị, EIU phải là trung tâm của ĐMST, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ kỹ sư nhân lực đáp ứng công nghiệp 4.0. Liên kết với các trường để đào tạo, phát triển các ngành học như ngành y để phục vụ nhu cầu của tỉnh và khu vực, trong những năm tới phải định hình được mô hình đào tạo ngành y. Phối hợp với ngành Giáo dục của tỉnh triển khai sớm chương trình học song ngữ trong các trường học trên địa bàn, bồi dưỡng Tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên, đến năm 2025 chọn ra điểm trường học song ngữ tiến tới phổ cập học song ngữ.
Becamex bắt đầu quá trình chuyển đổi để bắt kịp xu thế
Đề án Thành phố Thông minh (TPTM) Bình Dương ra đời năm 2016 với nhiều định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên với định nghĩa ban đầu, TPTM được ra đời với mục tiêu đơn giản là tạo ra được giá trị gia tăng (GTGT) mới, thật sự đáp ứng được yêu cầu mong muốn của Bình Dương trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Điểm mấu chốt là các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực từ thấp đến cao. Từ đó, kỳ vọng sẽ thúc đẩy xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và một môi trường sống lành mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều thách thức khó khăn, nhưng tiềm năng và cơ hội phát triển của Bình Dương còn rất lớn, điều đó được củng cố bằng việc xây dựng nhiều hệ sinh thái đột phá trong thời gian vừa qua cũng như tương lai sắp tới. Dù vậy, năng suất lao động có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và chi phí, trong khi tỷ lệ tự động hóa trong sản xuất ngày càng cao. Một vấn đề cấp thiết đang được đặt ra là đào tạo như thế nào để ko ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng có việc làm và tạo ra GTGT cao hơn nữa để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC chia sẻ: Sau nhiều năm với kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển Khu Công nghiệp, cũng như đúc kết từ việc hợp tác với nhiều nước như: Hàn Quốc, Hà Lan (Enindhoven)…, Becamex và EIU nhận thấy trách nhiệm đầu tư phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà thuộc về bản thân chúng tôi. Đây cũng là một trong những lợi thế chính để thu hút vốn đầu tư nhà nước vào các vùng của chúng tôi trong tương lai. Giai đoạn 1 này được chúng tôi phát triển từ mô hình học hỏi của Singapore.
Để bắt kịp xu thế, Becamex IDC đang bước sang giai đoạn 2 của việc bắt đầu quá trình chuyển đổi để phát triển. Trong đó, giai đoạn này bao gồm 7 hệ sinh thái quan trọng gồm:
Hệ sinh thái 1: Lấy EIU là trọng tâm để xây dựng nhiều hệ sinh thái nhỏ cùng hòa quyện với nhau giữa các trường đại học, qua đó làm rõ vai trò trách nhiệm của mỗi bên trên nền tảng mô hình 3 nhà: nhà khoa học (nhà trường) – nhà nước – nhà doanh nghiệp; Hệ sinh thái 2 Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC Binh Duong New City) tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi nguyên – nhiên vật liệu, hàng hóa… cung cấp trang thiết bị; Hệ sinh thái 3: Khu Công nghiệp thông minh – Sinh thái; Hệ sinh thái 4: Viện R&D Becamex; Hệ sinh thái 5: Thành phố mới Bình Dương; Hệ sinh thái 6: Khu liên hợp Văn hóa – Giáo dục – Thể thao; Hệ sinh thái 7: Khu Công nghiệp Khoa học công nghệ.
Thời gian qua, Bình Dương đã tạo dựng một nền tảng ĐMST tốt cho sự phát triển của các thời kỳ tiếp theo. Đáng kể đến như “Trung tâm đổi mới sáng tạo 4.0” được thành lập tại Bình Dương bởi sự hợp tác giữa đối tác Việt Nam (gồm Tổng công ty Becamex IDC thuộc UBND tỉnh Bình Dương, liên doanh Khu công nghiệp VSIP, Trường đại học Quốc tế Miền Đông) và đối tác Singapore (Singapore Polytechnic, Liên minh chuyển đổi công nghiệp 4.0). Trung tâm sẽ có sẵn các phòng thí nghiệm, máy móc thiết bị để giúp các nhà sáng tạo, các doanh nghiệp có công cụ để nghiên cứu, đổi mới mà không phải đầu tư, đồng thời hướng đến giúp các doanh nghiệp sản xuất cải tiến và đổi mới ngay trên nền máy móc, dây chuyền sản xuất sẵn có để tăng hiệu quả quản lý và tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn. Sự kiện là sự minh chứng cho những nỗ lực và sự đồng hành của tỉnh Bình Dương, Becamex IDC và các đối tác đối với cộng đồng khởi nghiệp và ĐMST tại Việt Nam trong hành trình chuyển đổi công nghiệp 4.0.
Có thể nói, xây dựng và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bền vững, hiệu quả cao và tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế không phải là một con đường ngắn. Nhưng với khát vọng mãnh liệt, với quyết tâm cao và nỗ lực lớn này Bình Dương hứa hẹn sẽ thực sự trở thành một miền đất ĐMST màu mỡ cho các hạt giống tốt được nảy mầm, lớn lên với quy mô khu vực và toàn cầu.
Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương – Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao những kết đạt được và định hướng phát triển sắp tới của của Becamex IDC cũng như EIU trong việc xác định trách nhiệm đầu tư phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà. Những đề xuất hữu ích của Becamex cũng như EIU về đổi mới sáng tạo, tỉnh sẽ hỗ trợ mọi điều kiện để đẩy mạnh giai đoạn phát triển quan trọng này./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu