Mỹ: FDA khuyến cáo không sử dụng sản phẩm nước mắt nhân tạo

Mỹ: FDA khuyến cáo không sử dụng sản phẩm nước mắt nhân tạo

An Na –  Thứ năm, 23/02/2023 16:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

FDA khuyến cáo người dùng và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Mỹ không sử dụng các sản phẩm nước mắt nhân tạo và thuốc mỡ mắt nhân tạo của Global Pharma Healthcare do lo ngại khả năng nhiễm khuẩn.

My: FDA khuyen cao khong su dung san pham nuoc mat nhan tao hinh anh 1
Sản phẩm nước mắt nhân tạo do hãng dược phẩm Global Pharma Healthcare Private Limited của Ấn Độ sản xuất. (Nguồn: FDA)

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 21/2 đã đưa ra các khuyến cáo đối với một số sản phẩm nước mắt nhân tạo do hãng dược phẩm Global Pharma Healthcare Private Limited của Ấn Độ sản xuất.

Nguyên nhân do lo ngại khả năng nhiễm khuẩn có thể dẫn đến mù lòa hoặc tử vong liên quan đến công thức thuốc, bao bì và thiếu các thử nghiệm vi sinh phù hợp.

FDA khuyến cáo người dùng và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Mỹ không sử dụng các sản phẩm nước mắt nhân tạo và thuốc mỡ mắt nhân tạo của Global Pharma Healthcare do các hãng dược phẩm EzriCare và Delsam Pharma phân phối.

Hiện Global Pharma Healthcare đang phải thu hồi các sản phẩm nước mắt nhân tạo sau khi FDA cho rằng các sản phẩm này không đảm bảo các quy định về sản xuất.

Trước đó, đầu tháng 2/2023, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã khuyến cáo không sử dụng các sản phẩm nước mắt nhân tạo của EzriCare hoặc Delsam Pharma do nghi ngờ các sản phẩm này liên quan 56 trường hợp bị nhiễm vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa.

Theo CDC, 56 trường hợp nhiễm khuẩn trên ở 12 bang, trong đó có 5 người được ghi nhận bị mất thị lực và một trường hợp tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hầu hết sử dụng sản phẩm nước mắt nhân tạo của EzriCare. Những loại thuốc này không có chất bảo quản, tức là chúng không có thành phần ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.

CDC cho biết cơ quan đã nhận được báo cáo về các ca nhiễm trùng giác mạc, dịch nội nhãn, đường hô hấp và đường tiết niệu, cũng như nhiễm trùng huyết. Sau khi thử nghiệm các chai thuốc nhỏ mắt EzriCare, CDC phát hiện vi khuẩn Pseudomonas kháng nhiều loại kháng sinh như cefepime, ceftazidime, piperacillin-tazobactam, aztreonam,…

Vi khuẩn Pseudomonas phổ biến trong môi trường tự nhiên, chẳng hạn đất và nước, thường lây lan trong các cơ sở y tế. Nó đã gây ra hơn 32.000 ca nhiễm trùng ở bệnh nhân nhập viện, khoảng 2.700 ca tử vong tại Mỹ năm 2017.

CDC cho biết vi khuẩn sinh ra ở các chai đã mở nắp có thể do nhiễm khuẩn trong quá trình sử dụng hoặc sản xuất. Cơ quan đang tiếp tục thử nghiệm các chai chưa mở nắp.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích