Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/2/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 23/2/2023

MTĐT –  Thứ năm, 23/02/2023 16:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/2/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/2/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Hà Nội: Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Sáng 23/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai chương trình phối hợp và ký giao ước thi đua phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thủ đô trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào Dự thảo Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026; Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố với các tổ chức tôn giáo năm 2023.

tm-img-alt
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức tôn giáo ký Chương trình phối hợp năm 2023.

Các tổ chức tôn giáo cho biết, thời gian qua, đã chú trọng các công tác bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động như: tuyên truyền giảm sử dụng các sản phẩm nhựa, nilon; vận động tín đồ, các giáo sứ, họ đạo ký cam kết bảo vệ môi trường, xây dựng các tuyến đường nở hoa, Ngày thứ 7 xanh, kêu gọi phân loại rác thải, dọn rác tại các hồ nước…

Đại diện các tổ chức tôn giáo cam kết sẽ cùng Mặt trận và các tổ chức tiếp tục các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần chống biến đổi khí hậu và thấy đây là trách nhiệm của tất cả mọi người trong giữ gìn và xây dựng Thủ đô “Xanh-Sạch-Đẹp”.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Thành phố đã đoàn kết, làm tốt vai trò tập hợp, động viên các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào có đạo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam Thành phố phát động, trong đó, phối hợp, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.

Đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hội thảo: “Bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống an toàn”

Ngày 23/2, tại thành phố Bắc Kạn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Tổ chức Apheda, Hội An toàn Vệ sinh lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống an toàn”.

Tới tham dự có TS.Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ; GS.TS Lê Văn Trình, Chủ tịch Hội An toàn Vệ sinh lao động Việt Nam, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng; TS. Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Ông Đỗ Văn Đại, nguyên Phó Vu trưởng Vụ tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc Chính phủ. Tham dự còn có đại diện một số Sở Ban ngành, báo đài, cùng đại diện Hội liên hiệp Phụ nữ đến từ các huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Bà Hà Thị Liễu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn và Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng Văn phòng đại diện Apheda Việt Nam chủ trì Hội thảo.

tm-img-alt
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Môi trường đang là vấn đề hết sức “nóng” của toàn thế giới. Ô nhiễm môi trường để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sự sống của nhân loại, nó là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh, thiên tai; phá vỡ đa dạng sinh học; làm mất đi sự cân bằng của hệ sinh thái, gây biến đổi khí hậu, suy giảm, cạn kiệt nguồn tài nguyên v.v…

Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường đều do con người tạo ra, trong đó rác thải là nguyên nhân chính. Bất kỳ ai trong chúng ta đều nhận rõ hậu quả do ô nhiễm môi trường như: Dịch bệnh liên tiếp xảy ra; thời tiết nóng lên; quy luật mưa, bão thay đổi thất thường; nguồn nước cạn kiệt; cháy rừng, xâm nhập mặn nghiêm trọng v.v…

Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cũng không tránh khỏi hậu quả do ô nhiễm môi trường, có khi còn nặng nề hơn các vùng khác (Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…). 

Có rất nhiều loại rác thải ra môi trường: Rác thải công nghiệp, rác thải nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu…); rác thải xây dựng; rác thải y tế; rác thải sinh hoạt v.v… Nhiều loại rác thải gây hại trực tiếp cho sức khỏe như: thuốc sâu, bụi từ các nhà máy, bụi do vật liệu xây dựng (trong đó có bụi Amiang từ tấm lợp fibro ximang), khí thải từ các nhà máy hóa chất, cơ sở sản xuất, nguồn nước bị ô nhiễm, thực phẩm bẩn v.v…

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hải Dương phấn đấu trồng thêm 150 ha rừng

Năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương phấn đấu trồng thêm 150 ha rừng, trong đó TP Chí Linh 120 ha, thị xã Kinh Môn 30 ha.

Theo kết quả xác định hiện trạng rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương, độ che phủ rừng năm 2022 của tỉnh đạt 5,33%, tăng 0,07% so với năm 2021.

Hiện tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh đạt gần 11.200 ha, gồm 2.241 ha rừng tự nhiên, 6.920 ha rừng trồng, còn lại là đất quy hoạch phát triển rừng. Trong năm 2022, tỉnh trồng 268,6 ha trên đất rừng sản xuất trước đây trồng cây ăn quả đủ tiêu chí thành rừng để tính độ che phủ, trồng lại 99,05 ha tại diện tích rừng đã khai thác. Ngoài diện tích rừng trồng tăng thì diện tích rừng sản xuất giảm 152 ha do khai thác.

Chí Linh (Hải Dương): Giám sát việc quản lý và xử lý chất thải tại 6 doanh nghiệp, nhà máy

Từ ngày 22/2, HĐND TP Chí Linh tiến hành giám sát trực tiếp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường; Ban Quản lý khu công nghiệp Cộng Hòa và các Công ty: CP Giao thông, Môi trường và Đô thị Chí Linh, TNHH Nhôm Đông Á, CP Sông Đà Cao Cường, TNHH Michigan Hải Dương, TNHH Seidensticker Việt Nam; Nhà máy gạch Vinh Quang. Việc này nằm trong chương trình giám sát chuyên đề về quản lý và xử lý chất thải tại khu, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, theo chương trình giám sát năm 2023, HĐND TP Chí Linh sẽ tiến hành 3 cuộc giám sát chuyên đề về triển khai nghị quyết điều chỉnh quy hoạch chung thành phố và quy hoạch phân khu cho các xã, phường; việc thực hiện công tác chuyên môn và sử dụng viên chức, lao động hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại các trạm y tế xã, phường từ năm 2019 đến tháng 6/2023.

TP.Hồ Chí Minh: Hồi sinh kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên

Sáng nay 23/2, chính quyền TP.HCM khởi công giai đoạn 2 dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đi qua bảy 7 quận huyện.

Đây là dự án trọng điểm thuộc Đề án chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2045 kết hợp cùng các dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát; lưu vực Tây Sài Gòn.

tm-img-alt
Lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh nhấn nút khởi công dự án. Ảnh: Tư liệu

Dự án kết nối tỉnh Long An qua Sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn, dự kiến triển khai trong thời gian tới sẽ giúp hoàn thiện hạ tầng thoát nước cho khu vực phía Tây và phía Bắc TP.HCM, cải tạo môi trường, kết nối giao thông, phát triển kinh tế – xã hội cho TP.HCM cũng như những khu vực lân cận.

Tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đây là dự án trọng điểm cần triển khai ngay trong giai đoạn 2021- 2025. Ông Mãi chỉ đạo Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (chủ đầu tư) lập kế hoạch chi tiết, huy động đội ngũ cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm tập trung thời gian tiến hành rà soát, hoàn thiện các thủ tục liên quan.

Theo ông Mãi, Ban Quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị để tập trung triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

Hàn Quốc đề ra lộ trình thực hiện cam kết trung hoà khí carbon

Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Yoo Je-chul cho biết nước này sẽ đạt mục tiêu trung hòa khí carbon với lộ trình thực hiện chi tiết sẽ được công bố vào tháng 3 năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo với các phóng viên nước ngoài ở Seoul, ông Yoo Je-chul nêu rõ trong tháng 3, Bộ Môi trường Hàn Quốc sẽ xây dựng lộ trình chi tiết và thích hợp để đạt được mục tiêu nêu trên.

Theo ông, Chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận về phân chia tỷ lệ năng lượng sử dụng, bao gồm cả tỷ lệ năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, để đạt được các mục tiêu nêu trong văn kiện cập nhật về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của nước này.

Với đạo luật trung hòa khí thải carbon có hiệu lực vào tháng 3/2022, Hàn Quốc đã chính thức vạch ra tầm nhìn hướng tới trung hòa khí carbon vào năm 2050 và giảm lượng khí thải nhà kính. Đạo luật này đề ra mức Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Hàn Quốc là giảm phát thải 40% vào năm 2030, so với năm 2018.

Ngày càng nhiều ý kiến ngại về khả năng đạt được mục tiêu trên sau khi Bộ Công nghiệp Hàn Quốc công bố kế hoạch cung – cầu điện dài hạn và tháng trước, bộ này cũng đã yêu cầu tăng tỷ trọng năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch trong khi cắt giảm tỷ trọng năng lượng tái tạo. Điều này có thể cản trở mục tiêu giảm phát thải đã đề ra.

Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ tăng tỷ trọng năng lượng hạt nhân từ 23,9% lên 32,4%, đồng thời giảm tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 30,2% xuống 21,6%. Tỷ trọng nhiệt điện sử dụng than và khí tự nhiên hóa lỏng sẽ tăng từ 41,3% lên 42,6%.

Ông Yoo cho biết Bộ Môi trường sẽ hợp tác đầy đủ với các cơ quan có liên quan để thiết lập tỷ lệ năng lượng tái tạo hợp lý, trong khi thiết lập kế hoạch cơ bản về trung hòa carbon và tăng trưởng xanh vào tháng 3.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

T.Anh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích