Nở rộ đầu tư nhà dưỡng lão cao cấp tại Trung Quốc
Dân số già hóa nhanh khiến nhu cầu dưỡng lão của người cao tuổi tại Trung Quốc tăng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Bước vào tuổi nghỉ hưu, William Tang quyết định rời bỏ trung tâm Thượng Hải và chuyển đến cơ sở chăm sóc người cao tuổi sang trọng Andor Gardens nằm phía tây thành phố. Để thuê một căn hộ 2 phòng ngủ trong 15 năm, ông phải thanh toán khoảng 220.000 USD.
Với Tang, cơ sở này tương tự một khu nghỉ dưỡng bao gồm các tiện nghi như hồ bơi trong nhà, phòng tập yoga, khu nếm rượu vang cùng dịch vụ chăm sóc 24/7.
Trước sự già đi nhanh chóng của dân số, các dự án chăm sóc người cao tuổi như Ardor Gardens đang thu hút nhiều nhà đầu tư Trung Quốc lẫn quốc tế. Lendlease, công ty bất động sản và cơ sở hạ tầng có trụ sở tại Sydney, đã đầu tư 280 triệu USD vào Ardor Gardens.
“Thị trường có thể thay đổi trong 10 năm nữa. Bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội khi 10 năm mới nghĩ đến việc mua đất, học hỏi, đào tạo đội ngũ và phát triển mô hình kinh doanh”, Ding Hui, Chủ tịch Lendlease Trung Quốc cho biết.
Nhu cầu giường dưỡng lão của Trung Quốc vượt quá khả năng cung cấp. |
Theo dữ liệu dân số mới nhất của Trung Quốc, số lượng dân số từ 60 tuổi trở lên đã tăng 47% lên 260 triệu người trong thập kỷ qua, chiếm 18% tổng dân số của quốc gia này. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 500 triệu người.
Không chỉ Lendlease, nhiều công ty nước ngoài khác như Temasek (Singapore) hay công ty đầu tư chăm sóc sức khỏe Columbia Pacific Management và Fortress Investment Group của Mỹ cũng quan tâm đến lĩnh vực đầu tư này.
Nguồn tin từ người đứng đầu bộ phận bất động sản của công ty Stanley Ching cho biết quỹ đầu tư khổng lồ Citic Capital dự định xây dựng một số dự án chăm sóc người cao tuổi ở các thành phố lớn trong vài năm tới. Trong khi đó, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc mới rao bán khu phức hợp chăm sóc người cao tuổi rộng 280.000 m2 ở ngoại ô Bắc Kinh.
Tuy chưa thu được lợi nhuận, phần lớn công ty đang đánh cược vào nhu cầu trong tương lai sẽ mang lại lợi nhuận dài hạn.
Về mặt chính sách, chính phủ Trung Quốc đang soạn thảo kế hoạch nhằm tăng cường lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Trong đó bao gồm tăng cường số giường tại các viện dưỡng lão, dành tặng nguồn lực để đào tạo chuyên gia, mở rộng dịch vụ cơ bản và giá cả hợp lý.
“Thị trường chăm sóc người cao tuổi cao cấp tại Trung Quốc chưa bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh nhưng chắc chắn đã bắt đầu”, Ye Liming, lãnh đạo tại Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ Cao cấp Thượng Hải, cho biết.
Chỉ khoảng 3% người cao tuổi Trung Quốc đủ khả năng chi trả chi phí dưỡng lão cao cấp. Ảnh: AFP. |
Sự thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến truyền thống lâu đời và cản trở sự phổ biến của các viện dưỡng lão. Mặc dù nhiều người sắp nghỉ hưu, các gia đình này thường chỉ có một con để dựa vào.
Theo dự đoán, chỉ khoảng 3% người cao tuổi ở Trung Quốc có khả năng chi trả các dịch vụ do những công ty như Lendlease cung cấp. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ với nhà đầu tư. Số đông còn lại sẽ ở nhà hoặc vào các viện dưỡng lão công.
Tính đến tháng 7, Lendlease mới lấp đầy khoảng một nửa trong số hơn 100 căn hộ chăm sóc tại Ardor Gardens kể từ đợt tiếp thị vào tháng 9/2020 và mở bán từ tháng 12/2020.
Viện nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan cho biết mới chỉ có từ 37-48% khách hàng cao cấp, chủ yếu thuộc khu vực Đồng bằng sông Dương Tử, quan tâm, thấp hơn nhiều so với mức 85% nhà đầu tư cần để hòa vốn. Nguyên nhân cản trở chính là chi phí cao vì giá đất và việc thiếu thị trường ủy thác đầu tư bất động sản.
Theo Ding Hui, việc người cao tuổi đầu tư vào bất động sản cho thuê ở Ardor Gardens rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch. Đại diện doanh nghiệp này tin rằng tâm lý dành tiền tiết kiệm để mua nhà cho con cháu của người lớn tuổi cũng bắt đầu thay đổi.
“Mục đích của chúng tôi không đơn thuần chi tiền ra mua bất động sản. Chúng sẽ cho tôi một cuộc sống thứ 2 thú vị hơn”, Tang nói.
Nguồn: Báo xây dựng