Loạt đại gia công nghệ đua nhau tự thiết kế chip
Cụ thể, TSMC – nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng giá bán wafer trung bình lên tới 20% trong quý tới. Hai “ông trùm” sản xuất chip khác là Samsung và Key Foundry gần đây đã thông báo với khách hàng rằng họ có kế hoạch tăng giá wafer khoảng 15 đến 20% trong nửa cuối năm 2021.
Việc tăng giá chip cũng như nhu cầu về chất bán dẫn đã khiến loạt ông lớn công nghệ như Tesla, Facebook, Amazon, Baidu lên kế hoạch tự phát triển chip của riêng mình. Theo đó, người đứng đầu bộ phận bán dẫn toàn cầu tại công ty dịch vụ công nghệ thông tin Accenture, ông Syed Alam cho biết, những con chip với thiết kế riêng sẽ phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng công ty, thay vì sử dụng chip đại trà như các đối thủ. Điều này giúp kiểm soát tốt hơn khả năng tích hợp giữa phần cứng và phần mềm, đồng thời tạo ra sự khác biệt trên thị trường.
Ông Russ Shaw, cựu Giám đốc công ty bán dẫn Dialog Semiconductor chia sẻ, chip tùy chỉnh có hiệu suất tốt hơn và rẻ hơn khi sử dụng vì giúp giảm điện năng tiêu thụ trên thiết bị, sản phẩm, dù là smartphone hay dịch vụ đám mây.
Trong khi đó, mới đây, ông lớn Tesla thông báo sẽ phát triển chip Dojo để đào tạo các mạng trí tuệ nhân tạo (AI) trong trung tâm dữ liệu. Hãng xe điện này bắt đầu sản xuất xe dùng chip AI tùy chỉnh từ năm 2019. Tháng trước, Baidu ra mắt chip AI có tác dụng giúp thiết bị xử lý lượng lớn dữ liệu và tăng cường năng lực điện toán. Chip Kunlun 2 có thể ứng dụng trong các lĩnh vực như xe tự lái và đã tiến hành sản xuất hàng loạt.
Tại thời điểm trước đó, Baidu cũng ra mắt chip AI có tác dụng giúp thiết bị xử lý lượng lớn dữ liệu và tăng cường năng lực điện toán. Được biết, loại chip này cũng có ứng dụng trong các lĩnh vực như xe tự lái và đã tiến hành sản xuất hàng loạt.
Không nằm ngoài cuộc đua, một số “ông lớn” công nghệ khác lựa chọn giữ kín dự án bán dẫn của mình. Chẳng hạn, Google được cho là đang chuẩn bị ra mắt CPU dành cho laptop Chromebook. CPU mới sẽ có mặt trong các laptop và tablet chạy hệ điều hành Chrome từ năm 2023, theo Nikkei.
Amazon lại phát triển chip mạng lưới riêng để dùng cho bộ chuyển mạch phần cứng. Nếu thành công, gã khổng lồ thương mại điện tử có thể giảm lệ thuộc vào Broadcom. Năm 2019, một nhà khoa học máy tính tại Facebook tiết lộ trên Bloomberg rằng mạng xã hội đang nghiên cứu loại bán dẫn mới, hoạt động rất khác biệt so với hầu hết mọi thiết kế hiện có.
Trong cùng diễn biến, Glenn O’Donnell, Giám đốc Nghiên cứu của hãng phân tích Forrester cho hay, khủng hoảng chip toàn cầu hiện nay là nguyên nhân khác khiến các hãng công nghệ lớn suy nghĩ lại về việc mua chip. Dịch bệnh tăng thêm gánh nặng cho chuỗi cung ứng, làm tăng nỗ lực tự phát triển chip. Nhiều công ty cảm thấy khả năng đổi mới bị hạn chế khi phụ thuộc vào lịch trình của các nhà sản xuất chip.
Theo CNBC, hiện nay gần như không có tháng nào trôi qua mà không có thông báo về dự án chip mới của Big Tech. Ví dụ nổi bật nhất là vào tháng 11/2020, khi Apple tuyên bố sẽ không dùng kiến trúc Intel x86 nữa mà tự làm bộ xử lý M1. M1 đã có mặt trên các iMac và iPad mới.
Vào lúc này, không hãng nào có ý định tự làm chip từ A tới Z. Theo ông Shaw, họ chỉ đảm nhận khâu thiết kế và hiệu suất của chip, không tính đến sản xuất vì đây là việc rất tốn kém. Mở một nhà máy chip hiện đại như TSMC tốn khoảng 10 tỷ USD và mất vài năm xây dựng. Ngay cả những đại gia như Google hay Apple cũng vô cùng thận trọng và sẽ thuê TSMC hoặc Intel để sản xuất.
Ông O’Donnell cũng nhận định, Silicon Valley đang thiếu nhân lực đủ kỹ năng thiết kế bộ xử lý cao cấp. Họ quá chú trọng vào phần mềm trong hàng chục năm qua, dẫn tới kỹ thuật phần cứng dường như bị lỗi thời.
“Làm việc với phần cứng không “ngầu nữa”. Bất chấp tên gọi của mình, Silicon Valley (thung lũng bán dẫn) nay tuyển tương đối ít kỹ sư bán dẫn”, chuyên gia chia sẻ.
Diệu Hương (T/h)