Các tổ chức, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Các tổ chức, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Minh Anh –  Thứ tư, 22/02/2023 08:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Có 8 chủ đề được gợi ý lấy ý kiến của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được gửi tới các tổ chức, nhà khoa học

Chiều ngày 21/2, tại Hà Nội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cùng các chuyên gia, nhà khoa học.  

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ: Việc lấy ý kiến lần này là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn dân với việc sửa đổi Luật Đất đai.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước về đất đai, giải quyết đúng chính sách., pháp luật về đất đai không chỉ kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, kiến tạo nguồn lực, mà góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân và đặc biệt chính là tiền đề phát triển kinh tế – xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, Luật Đất đai đã được Quốc hội cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ý kiến nên đi thẳng vào các chương; điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà nghị quyết Trung ương ban hành thì tập trung góp ý để làm sao chính sách đó được thể chế hoá một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện.

“Đối với quyền sử dụng đất, sở hữu đã được Hiến pháp hiến định và cho đến nay triển khai không gặp vấn đề gì khó khăn. Những vấn đề gì không trong quy định của Đảng, Hiến pháp thì không đề cập, cần có nghiên cứu, có thực tiễn và thời gian”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của Luật đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai.

Điều đó cũng có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Theo ông Phan Trung Lý, Dự thảo lần này chưa làm rõ được cơ sở pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật Đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó.

Quyền hạn nào phải của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân); quyền hạn nào chủ sở hữu được ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ với cơ quan nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ. Cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát và vai trò của các tổ chức đoàn thể của nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phải được làm rõ.

Liên quan đến tài chính và giá đất, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế, quy định trong Dự thảo cần được gia cố thêm. Cụ thể, cần thể hiện rõ trong luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW.

ThS. Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc góp ý về giá đất (từ Điều 153 đến Điều 158), để xác định giá đất theo giá thị trường đối với vùng nông thôn miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, cần làm rõ một số yếu tố có tính đặc thù tác động đến việc thực hiện như bất lợi của yếu tố tự nhiên, địa hình, kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân còn khó khăn, thu nhập thấp, các đơn vị tư vấn về giá đất còn ít, năng lực hạn chế…

“Để khắc phục những hạn chế trong việc xây dựng giá đất thời gian qua và để thực hiện theo quy định mới bảo đảm chặt chẽ, phù hợp, dự thảo Luật hoặc văn bản dưới Luật cần quy định cụ thể về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai đến cơ sở xã và thường xuyên cập nhật thông tin về các giao dịch về đất đai, nhất là các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm cơ sở cho việc xác định giá đất. Đồng thời, xây dựng giá đất trên cơ sở giá trị đất đai theo khả năng sinh lời trong điều kiện sản xuất bình thường có hạ tầng, thị trường, không xác định theo hiện trạng sản xuất tại thời điểm của vùng/xã/huyện đó, nhất là khu vực kinh tế – xã hội, đồng bào khó khăn”, ông Quàng Văn Hương góp ý.

Đại diện Hội đồng Dân tộc kiến nghị thêm, giá đất cần phải gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các khu vực được quy hoạch cần được xác định rõ về vị trí, diện tích, loại đất và dự kiến các tác động vào giá đất tăng khi thực hiện dự án đầu tư; các dự án đầu tư phải được thực hiện đúng tiến độ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, thực chất việc lấy ý kiến của người dân khi thực hiện quy trình xây dựng giá đất, nhất là các khu vực dự kiến có dự án đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, dự thảo Luật Đất đai 2023 đã chú trọng giải quyết một số tồn tại như: Quy hoạch, sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, bồi thường, tái định cư; bộ máy quản lý đất đai; phân loại đất đai, xác định giá đất, mối quan hệ với thị trường bất động sản…

Dự thảo đã nêu và cập nhật, giải thích 56 từ ngữ (Luật 2013 chỉ nêu 30 từ ngữ) có tính thực tiễn, tuy vậy, cần xem xét điều chỉnh thêm các khái niệm đã nêu trong dự thảo về: Đất xây dựng công trình ngầm, khái niệm hủy hoại đất, giá trị quyền sử đụng đất, tài sản gắn liền với đất… Ngoài ra, cần bổ sung một số khái niệm như: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người sử dụng đất, mặt nước chuyên dùng, tích tụ đất… Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng đề nghị tổ chức linh hoạt hơn các hình thức góp ý, nhất là lấy ý kiến cộng đồng và chuyên gia đa ngành đồng bộ về 9 vấn đề trọng tâm.

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng bày tỏ hoan nghênh các ý kiến đóng góp hết sức sâu sắc, tâm huyết và cho biết, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích