Mua đất rừng sản xuất làm homestay, cẩn thận “bỏng tay”

Hùa theo trào lưu “bỏ phố về rừng”, nhiều cuộc mua bán đất rừng sản xuất đã diễn ra thời gian qua, gây náo loạn thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Đất rừng sản xuất được rao bán rầm rộ

Những năm gần đây, trào lưu “bỏ phố về rừng” nở rộ, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều nhà đầu tư đổ xô mua đất rừng sản xuất. Với lợi thế diện tích rộng, phù hợp làm mô hình kinh doanh homestay, farmstay, khiến không ít nhà đầu tư mạnh tay “xuống tiền” vài chục tỷ đồng để đầu tư.

Theo khảo sát của Dân trí, thông tin rao bán đất rừng sản xuất trong các hội nhóm nhà đất trên mạng xã hội hết sức sôi động. Tìm hiểu từ những người rao bán, giá đất rừng hiện nay khá rẻ, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến gần chục triệu đồng/m2.

Đơn cử, mảnh đất rừng sản xuất có diện tích 1,2ha tại xã Tiến Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) đang được rao bán 3 tỷ đồng (khoảng 250.000 đồng/m2). Theo lời người rao bán, đất này nằm trong quy hoạch đất ở, phù hợp để đầu tư sau làm nghỉ dưỡng, homestay.

Cũng tại Hòa Bình, một số mảnh đất rừng sản xuất được bán kèm cùng đất thổ cư và đất vườn lại có giá bán 1-3 triệu đồng/m2. Một mảnh đất hơn 2.300m2, trong đó có 80m2 đất thổ cư, 700m2 đất vườn, còn lại là đất rừng sản xuất ở xã Cư Yên đang được bán với giá 6,4 tỷ đồng, tương đương 2,8 triệu đồng/m2.

Mua đất rừng sản xuất làm homestay, cẩn thận
Một mảnh đất rừng sản xuất được rao bán trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình: Hà Phong).

Không chỉ ở Hòa Bình, đất rừng sản xuất một số huyện vùng ven trung tâm Hà Nội khu vực cũng được rao bán rầm rộ. Sôi động nhất là Đồng Đò (huyện Sóc Sơn), đất rừng sản xuất có vị trí đẹp, phù hợp làm homestay hoặc khu sinh thái, nghỉ dưỡng đang có giá khoảng 3-7 triệu đồng/m2.

Hay một lô đất khác ở huyện Chương Mỹ có diện tích hơn 2.000 m2, trong đó chỉ có 200 m2 đất thổ cư, còn lại là đất rừng sản xuất đang được chủ đất chào giá hơn 6 tỷ đồng.

Đất rừng sản xuất không được xây nhà

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, đất rừng sản xuất thuộc loại đất nông nghiệp được quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 10 của Luật Đất đai 2013. Đất rừng sản xuất là đất được sử dụng để chủ yếu vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

Cũng theo luật sư Tùng, pháp luật đất đai quy định hộ gia đình, cá nhân không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất cho tổ chức kinh tế nếu không thuộc trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bằng văn bản.

Bên cạnh đó, luật sư nhấn mạnh, pháp luật quy định, đối với người nhận chuyển nhượng đất rừng sản xuất cũng phải có mục đích sử dụng diện tích đất nhận chuyển nhượng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, theo quy định pháp luật đất đai, hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất thì phải đáp ứng các điều kiện trên.

Đặc biệt, theo luật sư, việc xây nhà trên đất rừng sản xuất là trái pháp luật và bị xử phạt theo quy định. Nếu muốn xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất và phải có sự cấp phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Mua đất rừng sản xuất làm homestay, cẩn thận
Cơ quan chức năng đã từng chỉ ra nhiều sai phạm trật tự xây dựng tại rừng Sóc Sơn (Hà Nội) (Ảnh: Hà Phong).

PGS. TS. Doãn Hồng Nhung – Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho hay, thị trường bất động sản gần đây đã xuất hiện một số mô hình bất động sản kiểu mới. Mô hình này xây dựng từ việc phân lô, bán (cho thuê) đất rừng kèm những cam kết về chuyển đổi rừng sang đất ở (ra sổ đỏ) cũng như lợi nhuận gia tăng khi công trình đầu tư chỉ tạm bợ, ít chi phí. Thực tế các loại sản phẩm mới này đều chưa có tính pháp lý rõ ràng, kinh doanh lâu dài thiếu ổn định và khó quản lý.

“Hiện tượng “xẻ rừng già xây biệt thự”, rao bán đất rừng làm khu du lịch nghỉ dưỡng… và những vi phạm pháp luật về đất đai có thể xảy ra nhiều hơn nữa trong thực tế nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước và sự điều chỉnh của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới “, bà Nhung nhấn mạnh.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích