Tra cứu thông tin đất ở và mức phạt khi tự ý chuyển lên đất ở

(TN&MT) – Bạn đọc Nguyễn Thị Hiền Mai (Đông Anh, Hà Nội) hỏi: Bố mẹ tôi để lại cho vợ chồng tôi 400m2 đất. Trong đó đã có ngôi nhà 2 tầng rộng khoảng 70m2. Xung quanh là vườn. Do nhu cầu chỗ ở tăng lên, nhà tôi muốn bỏ hết đất vườn để làm nhà ở. Nhưng, nhà chồng tôi không biết đất hiện tại của gia đình có được phép chuyển thành đất ở hay không. Xin hỏi, nhà tôi phải tìm thông tin ở đâu. Nếu tự ý chuyển thành đất ở thì nhà tôi có bị xử phạt hay không?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Trước khi xây nhà trên toàn bộ diện tích đất 400m2, gia đình bạn phải nắm được thông tin về quy hoạch, mục đích sử dụng của mảnh đất hiện tại. Hiện nay, có nhiều cách để gia đình bạn tự kiểm tra đất mà mình đang sử dụng có chuyển thành đất ở được hay không.

Thứ nhất, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ thể hiện phần thông tin liên quan đến mục đích sử dụng đất, diện tích sử dụng. Một số sổ đỏ còn có thông tin quy hoạch. Thông tin quy hoạch được ký hiệu bằng nét gạch đứt bên cạnh thông tin thửa đất. Dựa vào thông tin trên sổ đỏ, gia đình bạn có thể biết được về mục đích, quy hoạch của mảnh đất.

dat-vuon.jpg
Ảnh minh họa

Nếu chưa có sổ đỏ hoặc sổ đỏ chưa thể hiện rõ những thông tin bạn cần biết, gia đình bạn có thể gửi yêu cầu đến Văn phòng đăng ký đất đai để kiểm tra kế hoạch sử dụng đất. Theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, người dân có quyền khai thác hệ thống thông tin đất đai do Nhà nước cung cấp thông qua phiếu yêu cầu.

Hoặc, gia đình bạn có thể kểm tra tại trụ sở, Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất. Hiện, Luật sửa đổi, bổ sung 37 Luật liên quan đến quy hoạch năm 2018 quy định toàn bộ nội dung kế hoạch sử dụng đất sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai. Theo đó, toàn bộ nội dung quy hoạch sử dụng đất được Nhà nước thông qua sẽ được công bố công khai tại trụ sở UBND xã, phường và UBND cấp huyện; công bố trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện. Người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất để kiểm tra tình trạng quy hoạch đất.

Tự ý chuyển lên đất ở bị xử lý thế nào?

Việc người dân tự ý chuyển lên đất ở  khi chưa đủ điều kiện sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật, mức phạt tiền phụ thuộc vào loại đất và diện tích vi phạm.

Căn cứ khoản 2, 3, 4 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, khi tự ý chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất ở hoặc các loại đất phi nông nghiệp khác thì gia đình bạn sẽ bị phạt với mức thấp nhất là 3-5 triệu đồng với diện tích chuyển trái phép dưới 0,02ha. Mức phạt đến 200 triệu đồng nếu chuyển trái phép từ 3 héc ta trở lên.

Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt trên.

Ngoài mức phạt trên, gia đình bạn buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bạn cũng có thể thích