Quảng Nam: Vật liệu xây dựng khan hiếm, công trình ngăn mặn không có đơn vị tham gia đấu thầu

(Xây dựng) – Tình hình vật liệu xây dựng thông thường như cát san lấp, đất đắp, cát xây, đá… hiện nay đang khan hiếm ở địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng như các tỉnh lân cận. Không có nguồn vật liệu xây dựng nên một số công trình thi công cầm chừng. Các nhà thầu đã trúng thầu thì chật vật tìm kiếm nguồn vật liệu xây dựng để thi công. Vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh tăng giá đột biến.

Quảng Nam: Vật liệu xây dựng khan hiếm, công trình ngăn mặn không có đơn vị tham gia đấu thầu
Các mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường như cát xây dựng, các san lấp… trên địa bàn tỉnh Quảng Nam dừng hoạt động đã dẫn đến việc khan hiếm nguồn.

Các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam dừng hoạt động từ trước tết nguyên đán đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại do công tác thanh tra, kiểm tra từ trung ương đến địa phương.

Chưa kể 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thống nhất chủ trương và UBND tỉnh phê duyệt danh mục các dự án đầu tư khai thác khoáng sản, giao cho các địa phương tổ chức đấu giá để đưa vào khai thác phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn nhưng đến nay các huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam vẫn chưa triển khai thực hiện.

Vật liệu xây dựng thông thường trở nên khan hiếm “bất thường”, giá cả tăng cao khiến cho các nhà thầu không dám tham gia đấu thầu. Đơn cử như Công trình Đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện năm 2023.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: Công trình Đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện năm 2023 vẫn thống nhất chủ trương xây dựng trên vị trí cũ thuộc phường Điện Ngọc, cách trạm bơm Tứ Câu về hạ lưu khoảng 350m; giải pháp kết cấu đập thi công giống như các năm trước đã thực hiện. Tuy nhiên, đến 16h30 phút ngày 16/02/2023 (thời điểm mở thầu), kết quả không có đơn vị nào tham dự gói thầu thi công công trình này.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: Căn cứ theo hồ sơ thiết kế đập được duyệt thì vật liệu dùng cho công trình chủ yếu là cát, cây bạch đàn, tre, trục trịch tre, nhưng hiện nay nguồn cây bạch đàn mua khó và giá thành tương đối cao, đặc biệt nguồn cát đắp cho đập khoảng 10.000m3 lấy từ mỏ vật liệu trên sông Thu Bồn vận chuyển bằng đường sông, đường bộ nhưng hiện nay các mỏ vật liệu trên địa bàn hết thời gian khai thác và đã đóng cửa. Thị xã đã làm việc với Phòng khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam và các chủ mỏ vật liệu trên địa bàn khu vực Đại Lộc, Duy Xuyên… còn sản lượng khai thác nhưng không hoạt động.

Được biết, hằng năm, hạ lưu sông Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn thường bị mặn xâm nhập sâu từ nguồn nước mặn sông Hàn Đà Nẵng vào. Trước tình hình đó từ năm 2013 đến nay, UBND thị xã triển khai phương án phòng chống hạn, nhiễm mặn, cụ thể là đắp đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện để ngăn mặn, giữ ngọt nhằm đảm bảo tạo nguồn nước tưới cho khoảng 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp của các xã, phường vùng Đông thị xã Điện Bàn và các khu vực thành phố Hội An và thành phố Đà Nẵng.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thì năm 2023 nắng nóng gay gắt hơn năm 2022, mực nước sông xuống thấp, gây khô hạn và nhiễm mặn. Đã có nước mặn xâm nhập với nồng độ mặn tại cầu Tứ Câu: vào ngày 05/02/2023 là 6,2‰, vào ngày 16/02/2023 là 6,5‰.

Công tác đắp đập không thực hiện được nếu không có cát sẽ gây mất mùa cho khoảng 1.855ha cây trồng đang trong giai đoạn phát triển.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích