Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đa giá trị
(Xây dựng) – Năm 2022, cả nước huy động được 621.324 tỷ đồng từ các nguồn lực, để đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM (chương trình NTM), tăng 1,3 lần so với năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước trên 127 nghìn tỷ đồng; vốn từ DN trên 35,5 nghìn tỷ đồng; người dân tự nguyện đóng góp gần 22 nghìn tỷ đồng…
Năm 2023, cả nước phấn đấu có 78% xã đạt chuẩn NTM. |
621.324 tỷ xây dựng NTM
Theo ông Ngô Trường Sơn – Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Trong năm qua, cả nước đã huy động được 621.324 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình NTM, tăng 1,3 lần so với năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho chương trình khoảng 77.397,8 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 11.000 tỷ đồng, vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 2.000 tỷ đồng); vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí thực hiện chương trình khoảng 66.397,8 tỷ đồng (chiếm 10,7%); Lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 49.967 tỷ đồng (chiếm 8%).
Hơn 12 năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đạt thành tựu to lớn, toàn diện; góp phần tạo sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn khởi sắc, hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn được cải thiện; Kinh tế nông thôn chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
Còn vướng mắc cần tháo gỡ
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, vẫn còn hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chương trình NTM, đó là, hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ở cấp Trung ương chậm ban hành so với kế hoạch. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí NTM của các Bộ, ngành chưa cụ thể, hoặc một số chỉ tiêu khó thực hiện ở một số địa bàn. Một số địa phương chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 – 2025 theo phân cấp; Chưa chủ động rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và chuẩn bị thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội… Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương có dấu hiệu xuống cấp, do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
Mỗi địa phương có cách riêng, tránh dập khuôn
Năm 2023, cả nước phấn đấu có khoảng 78% xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 25% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng ít nhất 15 đơn vị cấp huyện so với năm 2022); khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng khoảng 1.000 sản phẩm so với năm 2022).
Để hoàn thành mục tiêu năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Tập trung hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo các cấp từ Trung ương tới địa phương; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị…
Tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung thành phần, nhất là các chương trình chuyên đề hỗ trợ xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM ở cơ sở.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. NTM chính là sức sống mới của cộng đồng, và nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới chính là phải hồi sinh sức sống của cộng đồng. Mô hình làng hạnh phúc, làng thông minh là gợi ý rất hay.
Bộ trưởng khẳng định, mỗi địa phương sẽ có cách thức riêng biệt để kể câu chuyện riêng của mình, tránh rập khuôn, mặc đồng phục, thể hiện từ khẩu hiệu, thông điệp. Đây chính là không gian sáng tạo cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Có thể nhiều địa phương có cùng 1 sản phẩm (mật ong, trà hoa vàng…) nhưng mỗi nơi có một câu chuyện khác nhau. Chương trình OCOP phải tạo ra không gian kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa.
“Đừng tạo xung đột giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp… tất cả đều cần hòa hợp. Bởi lẽ, tất cả chúng sẽ đều góp phần phát triển quốc gia ngày càng thịnh vượng” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nguồn: Báo xây dựng