Thị trường bất động sản có “hồi sinh” từ hai gói tín dụng?

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng công bố, đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Theo đó, các ngân hàng này cũng thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% (lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ).

Thị trường bất động sản có “hồi sinh” từ hai gói tín dụng?
Cần tháo gỡ những trở ngại về pháp lý, cơ chế trong đầu tư phát triển nhà ở. Ảnh: Hà Phong

Ngân hàng Nhà nước sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này. “Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác. Nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.

Trong quá trình triển khai, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói thêm, trường hợp các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn để triển khai tiếp. Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.

Liên quan đến đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy rằng, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng nguồn cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế nhận định việc có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội là rất đáng mừng. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguồn vốn từ đâu, từ ngân sách Nhà nước hay từ các ngân hàng thương mại. “Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là rất lớn nên cần biết nguồn vốn này từ đâu. Nếu ngân sách Nhà nước bỏ ra thì phải làm rõ ngân sách lấy từ đâu ra. Bản chất ngân hàng mới nói hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5 – 2% còn lấy từ đâu thì chưa rõ. Khi nói đến các gói tín dụng hỗ trợ thì phải nói cụ thể, có văn bản đàng hoàng. Quan trọng nhất là phải làm rõ nguồn tín dụng mới biết cách để giải ngân hiệu quả”, vị chuyên gia này nhận định.

Tại Hội nghị trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chính phủ sẽ có đề án riêng về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp. Thủ tướng hoan nghênh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo về gói tín dụng cho lĩnh vực này, Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chỉ đạo của Thủ tướng và sự điều chỉnh của các bộ, ngành nhằm tháo gỡ “nút thắt” tín dụng vào thời điểm này là hoàn toàn chính xác bởi nhiều doanh nghiệp, dự án đã bắt đầu không còn đủ sức để cầm cự. Tuy nhiên, một việc quan trọng khác mà các bên liên quan cần dành nhiều sự quan tâm chính là khẩn trương tham mưu, đề xuất và thông qua những Nghị quyết quan trọng để tháo gỡ những trở ngại mang tên pháp lý, cơ chế trong đầu tư phát triển nhà ở.

Giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản nước ta được dự báo sẽ còn tồn tại trong ít nhất 1 – 2 năm nữa và chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn tháo gỡ vướng mắc, phục hồi thị trường. Tuy vậy, cũng có thể xem đây là cơ hội để làm sạch, làm mới thị trường theo hướng minh bạch và bền vững hơn.

Cần mạnh tay thanh lọc những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, từng bước loại bỏ tư duy đầu cơ, làm giá, trục lợi, trả việc mua bán bất động sản trở về đúng bản chất của nó là giải quyết nhu cầu về nhà ở… Đồng thời, nên có biện pháp hỗ trợ và đồng hành với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, dành nhiều nguồn lực hơn để giải quyết câu chuyện nhà ở đô thị có mức giá phù hợp để từng bước khôi phục hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản theo hướng căn cơ, bền vững hơn.

Chỉ có sự quyết tâm, hợp sức đồng lòng, cùng nhau vượt khó của các bên liên quan dựa trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” thì thị trường bất động sản nước ta mới có hi vọng vượt qua được giai đoạn nhiều “giông bão” như hiện nay.

Hà Phong

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích