Tạo điểm tựa cho lao động mất việc
Cơ hội việc làm rất khó khăn
Làm việc trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú nên từ tháng 4/2021, khi Công ty ngừng hoạt động bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, chị Nguyễn Thị Nụ – phường Việt Hưng, quận Long Biên bị mất việc. “Cuộc sống vô cùng khó khăn. Khoản trợ cấp thất nghiệp chỉ giúp gia đình tôi xoay xở được hơn 1 tháng, trong khi tiền tích lũy cạn dần. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là dịch bệnh thì vẫn diễn biến phức tạp mà cơ hội việc làm của tôi khi dịch qua đi cũng rất mong manh, bởi tuổi tôi không còn trẻ, không biết có thể kiếm được việc gì để làm” – chị Nụ chia sẻ trong nỗi âu lo.
Tư vấn trực tuyến cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội |
Tương tự, anh Nguyễn Văn Long, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng cũng đang lâm cảnh khó khăn vì mất việc làm từ cuối tháng 7/2021. “Công ty tôi sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, không thuộc mặt hàng thiết yếu nên khi dịch bệnh bùng phát thì phải dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Trước đó, sản xuất kinh doanh của Công ty cũng đã gặp nhiều khó khăn chưa có chiều hướng hồi phục, nên tôi quyết định xin nghỉ việc luôn” – anh Long chia sẻ và cho biết thêm, anh chưa có phương hướng gì cho việc làm mới sau khi dịch bệnh lắng xuống.
“Tôi mong các cơ quan chức năng có những giải pháp khống chế dịch bệnh, phục hồi thị trường lao động, tạo thêm cơ hội việc làm để những lao động mất việc như chúng tôi có hy vọng” – anh Long bày tỏ.
Mất việc làm, cuộc sống khó khăn là tình trạng của không ít NLĐ hiện nay. Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ đầu năm 2021 đến nay, gần 13 triệu người trong độ tuổi lao động của cả nước đã bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, các địa phương ghi nhận gần 10% số đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tương đương gần 4 triệu lao động phải tạm ngừng việc…
Trong khi đó, theo kết quả của khảo sát nhanh về việc làm và thu nhập của NLĐ do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Văn phòng Chính phủ) và Báo VnExpress thực hiện từ ngày 1 đến 5/8 với 69.132 NLĐ tham gia khảo sát online cho thấy, 62% NLĐ mất việc vì Covid-19. Trong số này, một nửa mất việc trong 1-3 tháng, 25% mất việc dưới 1 tháng và 15% đã không còn việc làm hơn nửa năm. Mất việc đột ngột, lại không có dư nguồn tích lũy nên 50% lao động mất việc nói họ chỉ đủ tiền bảo đảm cuộc sống dưới 1 tháng.
Chỉ 4,4% lao động mất việc cho biết họ dư tiền tích lũy trên 6 tháng. Không kiếm được việc làm lâu dài, NLĐ xoay sang làm các công việc thời vụ trong mùa dịch để duy trì cuộc sống. Những việc làm thời vụ được lựa chọn như bán hàng online, với 21% người mất việc lựa chọn; 10% nói họ sẽ chuyển sang nghề chạy xe công nghệ. Tỷ lệ số lao động mất việc cố nán chờ công ty gọi trở lại làm việc sau dịch chỉ chưa tới 1%. Các chuyên gia lao động – việc làm cho rằng, với những diễn biến như hiện nay, tình hình dịch Covid-19 chưa thể dự báo thời điểm kết thúc. Vì vậy, thị trường lao động từ nay đến cuối năm diễn ra theo kịch bản nào rất khó nhận định.
Cần giải pháp hỗ trợ căn cơ
Theo quy định của Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, NLĐ thất nghiệp sẽ được hưởng các chế độ gồm: Trợ cấp hằng tháng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa), thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng; được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, với chủ trương quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động sản xuất – kinh doanh, dịch vụ thì số người mất việc hằng tháng sẽ quay về mức trung bình trong dài hạn (khoảng 70.000 – 80.000), lao động mất việc làm hằng tháng sẽ từng bước quay lại thị trường lao động. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cần ưu ái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ. Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 đến 5.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động, dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ. |
Nhằm hỗ trợ lao động thất nghiệp, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề hơn 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng cao nhất không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Trường hợp NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
Các chính sách hỗ trợ nói trên không chỉ giúp NLĐ giải quyết khó khăn trước mắt, đặc biệt là có thêm nhiều sự lựa chọn hơn khi muốn chuyển đổi nghề nghiệp để sớm quay lại thị trường lao động. Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, khả năng phục hồi thị trường lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của tình hình chống dịch.
Do vậy, cần có một cuộc khảo sát trên diện rộng về tình hình mất việc cũng như nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp của NLĐ để hoàn thiện chính sách hỗ trợ phù hợp hơn. “Ngoài tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của NLĐ và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, điều cốt lõi là phải dự báo kịp thời về tình hình lao động – việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đó làm cơ sở để xây dựng các phương án kết nối cung – cầu phù hợp trong bối cảnh tình hình mới” – ông Lê Đình Quảng góp ý.
Tại Hà Nội, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng nhận định, thị trường lao động, việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ phụ thuộc vào các kịch bản phòng, chống dịch, vào diễn biến của dịch bệnh nhưng nhìn chung NLĐ và doanh nghiệp sẽ vẫn còn gặp khó khăn do dịch bệnh trong năm nay.
Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp, xây dựng các phương án hỗ trợ NLĐ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp, sẵn sàng đáp ứng trong mọi tình huống của dịch bệnh. Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của NLĐ và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt biến động lao động do ảnh hưởng từ dịch bệnh; tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về cung-cầu trên địa bàn Thành phố, dự báo kịp thời về tình hình lao động việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ đó làm cơ sở để xây dựng các phương án kết nối cung-cầu phù hợp trong bối cảnh tình hình mới./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô