Yên Thành (Nghệ An): Quyền lợi hợp pháp cho mẹ con bà Phan Thị Tứ cần được bảo vệ

Chồng mất khi mới 33 tuổi do bệnh nặng; người con trai bị tai nạn giao thông qua đời khi mới ở tuổi 30; bà Tứ sống với người con gái bị bệnh tâm thần và tật nguyền bẩm sinh. Nhiều năm, mẹ con bà Tứ vẫn không thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã…

Chồng mất sớm, con trai bị TNGT qua đời, 17 năm qua, bà Tứ sống cùng người con gái 46 tuổi bị tâm thần và tàn tật bẩm sinh.

Mảnh đất không an lành?…

Ngôi nhà nhỏ tồi tàn, chật chội, hôi hám của mẹ con bà Tứ, ở ngay đầu làng Minh Châu, xã Văn Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An)- là nơi nương náu nhiều năm của bà và đứa con bị tâm thần và tật nguyền bẩm sinh. Đứa con ấy tên là Phan Thị Hòa, năm nay đã 46 tuổi. Ngôi nhà chỉ có 2 gian, 1 gian đặt cái giường đủ cho mẹ con bà Tứ an phận qua đêm, 1 gian đặt cái bàn thờ, chông chênh, với 2 bát hương nhưng chỉ có 1 di ảnh của người con trai xấu số.

Bà Tứ ngồi trên chiếc ghế nhựa sứt mẻ, nhìn ra phía cửa, nơi bầu trời mùa đông mây mờ xám đục, kể với tôi về cuộc đời bà như trút bớt nỗi đau buồn tủi cực đã theo bà suốt mấy chục năm qua:

“Sau khi phục vụ chiến đấu với nhiệm vụ “công nhân giao thông” và “thanh niên xung phong”, có mặt ở các điểm nóng trên những tuyến giao thông của tỉnh Nghệ An, tôi về quê và xây dựng gia đình với ông Phan Đức Thảo. Ông Thảo là dân công hỏa tuyến cùng thời với tôi. Vợ chồng tôi được UBND xã Văn Thành cấp cho 1 mảnh đất 929m2 trước cổng trường THCS xã Văn Thành. Tháng 3/1976, tôi sinh cháu Phan Đức Hiền và hơn 1 năm sau, tôi sinh cháu Phan Thị Hòa. Những năm tháng phục vụ chiến đấu, không rõ vợ chồng tôi có bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ rải xuống các chiến trường hay không, nhưng cháu Hiền sinh ra bị dị tật bẩm sinh và bị tâm thần”.

Cháu Hiền lên 6 tuổi, cháu Hòa được 4 tuổi thì chồng bà Tứ (ông Thảo) qua đời do bị đột quỵ. Thương mẹ con bà Tứ, ông Phan Đức Kế và bà Nguyễn Thị Em (bố mẹ chồng), khuyên 3 mẹ con bà Tứ dọn về ở tại căn nhà ngang trong khuôn viên gia đình. Bà Tứ làm đơn trả lại 929m2 đất đã được cấp trước đó cho UBND xã. Thửa đất đó, hôm sau UBND xã Văn Thành cấp cho ông Đào Văn Phùng. Ở chung với bố mẹ chồng một thời gian, do gia đình ông Kế đông con, cô Hòa con gái bà Tứ bị bệnh nên mẹ con bà Tứ lại xin ra ở riêng. Mẹ con bà Tứ lại được UBND xã Văn Thành cấp cho mảnh đất 180m2 ở xóm Xuân Châu.

Chị Phan Thị Hòa con gái bà Tứ, bị tâm thần và tật nguyền bẩn sinh.

Vào thời điểm đó, vợ chồng ông Kế có 1 mảnh đất 759m2 đầu làng Minh Châu. Mảnh đất ở cạnh ao làng, người dân thường hay vứt các thứ rác bẩn, động vật chết, đồ bẩn xuống đó nên “xã cho không ai lấy”. Ông Kế xin xã và giao cho cho vợ chồng người con trai thứ 2 là Phan Đức Đường (em ruột chồng bà Tứ) sử dụng. Vợ chồng ông Đường dựng một ngôi nhà tranh trên đó. Ở được một thời gian, không rõ lý do gì, vợ chồng ông Đường bỏ đi vào Nam. Ngôi nhà bỏ hoang. Ông Kế lại giao mảnh đất và ngôi nhà đó cho vợ chồng ông Phan Đức An ra ở riêng. Ở được một thời gian, ông An mua mảnh đất khác trong xã và chuyển đi. Người làng Minh Châu đồn rằng, mảnh đất này ám khí, ai ở đây, làm ăn không thuận.

Sau khi vợ chồng ông An bỏ đi, cuối năm 1995, ông Kế và bà Em động viên mẹ con bà Tứ chuyển về ở để giữ mảnh đất này. Là người không mê tín, bà Tứ chiều theo ý bố mẹ chồng và chuyển về ở đây. Năm 1999, bà Tứ bán ngôi nhà và mảnh đất 180m2 ở xóm Xuân Châu cho ông Phạm Văn Công. Cháu Hiền đã đưa cho vợ chồng ông Đường 7 triệu đồng, gọi là tiền công tôn tạo mảnh đất và mua lại ngôi nhà cũ. Tết năm 1996 khi gia đình đoàn tụ, ông Kế và bà Em đã tuyên bố trước các con rằng: Cha mẹ cho mẹ con bà Tứ toàn quyền sử dụng mảnh đất đầu làng Minh Châu (nay là thửa số 387, tờ bản đồ số 12, xóm Minh Châu, diện tích 759m2). Tại buổi gặp mặt gia đình dip Tết này cũng như những năm tháng sau đó, không người con đẻ, con dâu nào của ông Kế – bà Em có ý kiến phản đối.

Ngôi nhà 2 gian chật chội của mẹ con bà Tứ trên thửa đất đã từng ăn, ở ổn định từ năm 1995 đến nay, đã được xác định tên chủ sử dụng là Phan Thị Tứ trong bản đồ địa chính.

 Mẹ con bà Tứ sống bình yên trong ngôi nhà trên mảnh đất “âm khí không lành” ấy cho đến khi cháu Phan Đức Hiền lấy vợ. Cháu Hiền xin ở rể với gia đình bố mẹ vợ tại thị trấn Con Cuông (Nghệ An). Cuộc sống tưởng đã mỉm cười với mẹ con bà Tứ, nhưng sáng mồng 01 Tết năm 2006 – cháu Hiền bị tai nạn giao thông và qua đời. Cháu Hiền mất khi mới 30 tuổi, để lại vợ trẻ và đứa con gái chưa tròn tuổi. Bà Tứ coi như đã mất đi điểm tựa cuối cùng của cuộc đời. Đứa em gái bị tâm thần và tàn tật bẩm sinh, hình như cũng biết chuyện anh trai mất, bỏ ăn mấy ngày ròng rã. Thương cháu đích tôn xấu số, bà Em (mẹ chồng bà Tứ) lâm bệnh và qua đời 2 năm sau đó.

Lời thỉnh cầu chính đáng !

Bà Tứ khó nhọc vịn vào vai tôi, chậm chạp lần từng bước đến bên chiếc bàn thờ có 2 bát hương, một bát thờ chồng, 1 bát thờ người con trai xấu số. Bà rơm rớm nước mắt, nói với vong linh của chồng và con như nói với người cõi trần: “Ông và con sống khôn chết thiêng, phù hộ cho mẹ con tôi luôn được bình an, mạnh khỏe; phù hộ cho tôi sớm được Nhà nước cấp sổ đỏ đối với mảnh đất này để an phận tuổi già”.

Bà Tứ chậm chạp quay lại chiếc ghế. Bà ngồi xuống, khuôn mặt bà như đã khô héo từ lâu vì nước mắt đã cạn. Bà nói trong nỗi buồn thăm thẳm: “Chồng mất, con mất, nhiều lúc tôi rất bi quan và cũng như bị tâm thần, muốn bỏ làng, bỏ nhà ra đi thật xa. Nhưng nghĩ thương cháu Hòa bệnh tật, vô tội, nên tôi vẫn phải cố gắng gượng vượt lên. Năm 2010, ngôi nhà bị sập, tôi vay mượn được ít tiền để làm lại nhà. Mặt trận Tổ quốc xã Văn Thành thương tôi, hỗ trợ thêm 3 triệu đồng từ quỹ “Vì người nghèo”. Tôi làm nhà xong được 2 năm thì ông Kế qua đời. Trước khi mất, những lần tôi qua chăm sóc, ông Kế trăng trối: Trong mấy đứa con dâu, cha thương con nhất. Con cố gắng giữ gìn sức khỏe để nuôi cháu Hòa. Nó tuy bị tâm thần nhưng cũng là cháu của cha, là dòng máu của gia đình ni. Cha thương nó lắm! Có lẽ mảnh đất con đang ở không được lành. Nay mai con có thể bán đi mà tìm chỗ khác… Ông Kế qua đời, tôi thêm một lần mất đi một người thân gần gũi, tin cậy. Giọng bà Tứ như nghẹn lại khi nói về người bố chồng đáng kính của bà.

Ngôi nhà cấp 4 của mẹ con bà Tứ được xây dựng từ 210 triệu đồng nhận cọc của người mua 190m2 thửa đất.  

 Bà Tứ kể, trong 6 người con của ông Kế (5 trai, 1 gái), ông An, ông Thảo và ông Tịnh ở lại quê Văn Thành, 3 người còn lại lập nghiệp ở nơi khác và đã có gia đình, nhà cửa đàng hoàng, kinh tế vững, chỉ có bà Tứ là liên tục “đội sổ hộ nghèo”. Ông Phan Đức Tịnh, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Thành. Năm 2007, khi biết Nhà nước có chủ trương đo lại đất và cấp đổi lại “sổ đỏ”, ông Tịnh đã bàn với ông Kế lập hồ sơ chuyển quyền sử dụng đối với 671m2 đất ở kèm theo ngôi nhà trên đất do ông Kế và bà Tư xây dựng nên tại xóm Minh Châu (gần thửa đất bà Tứ). Năm 2020, mấy anh em trai gia đình ông Kế bàn bạc việc làm lại ngôi nhà cho mẹ con bà Tứ, phần vì di nguyện của cha, phần vì ngại làng xóm qua lại chê trách do gia cảnh mẹ con bà Tứ. Họ đưa ra phương án là bán đi 190m2 đất của thửa đất mẹ con bà Tứ đang sử dụng để lấy tiền làm nhà. Bà Tứ đồng ý phương án đó vì mẹ con bà không có tiền, bà cũng sống chẳng được bao lâu nữa. Cuối năm 2020 ông Tịnh rao bán phần đất đó được người mua chốt giá là 1,02 tỷ đồng. Người mua đã đưa cho ông Tịnh 210 triệu đồng và yêu cầu ông Tịnh: Khi có sổ đỏ, bên mua sẽ thanh toán hết. Có được tiền đặt cọc, ông Tịnh gọi thợ xây đến và khởi công xây dựng ngôi nhà mới cho mẹ con bà Tứ. Ngôi nhà cấp 4 ấy nay đã hoàn thành và mẹ con bà Tứ đã chuyển vào ở từ hôm sau Tết vừa rồi.

Đất không lành, xin đừng tham

“Khi tiến hành thủ tục làm sổ đỏ cho bên mua đất, tôi thấy mấy anh em bên chồng tôi nói, đất này là của ông Kế để lại, tôi không có quyền đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi về nhà đọc lại biên bản họp gia đình và chia thừa kế (được lập ngày 08/01/2021) thì thấy nội dung không đúng sự thật nên đã có ý kiến với xã và huyện dừng lại việc cấp sổ đỏ thửa đất. Tôi đề nghị cán bộ địa chính xã Văn Thành và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Yên Thành cung cấp cho tôi trích lục về nguồn gốc thửa đất”.

Sau khi nhận được trích lục về thửa đất, bà Tứ khẳng định: “Bản đồ địa chính được tỉnh Nghệ An đo đạc và xác lập từ tháng 5/2007, thửa đất hiện nay mẹ con tôi đang ở có ký hiệu thửa số 387, tờ bản đồ số 12, xóm Minh Châu, diện tích 759m2. Tên người sử dụng thửa đất là Phan Thị Tứ chứ không phải là ông Phan Đức Kế như ông Tịnh nói”. Thông tin này phù hợp với nguồn gốc, quá trình sử dụng thửa đất mà bà Tứ đã trình bày trong đơn gửi Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Yên Thành.

Trước năm 1995, thửa đất này được ông Kế giao cho ông Đường, ông An sử dụng, nhưng ai cũng “bỏ của chạy lấy người” vì “đất không lành, nhiều âm khí”.

 

Từ khi bà Tứ có ý kiến về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và quyền lợi của mẹ con bà đối với thửa đất số 387, đã vấp phải sự phản đối của những người con gia đình ông Kế. Họ cho rằng, thửa đất này vẫn thuộc tài sản của ông Kế – bà Em và họ được quyền nhận thừa kế theo pháp luật. Điều đáng buồn là, những ý kiến trên của người em chồng bà Tứ lại nhận được sự ủng hộ quyết liệt của ông Nguyễn Quế Lịnh – Chủ tịch UBND xã Văn Thành. Trao đổi với tôi về hoàn cảnh gia đình bà Tứ, ông Lịnh không tỏ ra xót xa cho một gia đình chính sách nghèo khổ, mà cố tìm rất nhiều “tội” của bà Tứ như: Hay kiện cáo, không trung thực, tham lam… để làm xấu thêm hình ảnh của bà. Trong văn bản báo cáo sự việc với lãnh đạo huyện Yên Thành, ông Lịnh đã cố tình lờ đi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mẹ con bà Tứ.   Đơn khiếu nại về quyền sử dụng 759m2 đất (thực tế chỉ còn 569m2 vì ông Tịnh đã bán 190m2) tại thửa số 387, tờ bản đồ số 12, xóm Minh Châu của bà Tứ đã được Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chỉ đạo phòng Tài nguyên – Môi trường kiểm tra, xác minh. Nhưng qua trình bày về nguồn gốc, quá trình sử dụng và những tài liệu phóng viên thu thập được cho thấy, quyền lợi của mẹ con bà Tứ đối với việc sử dụng thửa đất trên là chính đáng, có căn cứ về pháp luật để xem xét, giải quyết.

Ông Nguyễn Công Chúc – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch UBMTTQ huyện Yên Thành cho rằng: “Bà Phan Thị Tứ không chỉ là gia đình chính sách mà là đối tượng chính sách. Những trường hợp như mẹ con bà Tứ rất cần phải được chính quyền các cấp và xã hội quan tâm, động viên, giúp đỡ, chia sẻ. Không thể xử sự vô cảm như lãnh đạo xã Văn Thành được”.   

Đơn khiếu nại của bà Tứ về quyền sử dụng đất đã được Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chỉ đạo kiểm tra, xác minh, xử lý.

 Có thể vụ việc liên quan đến quyền lợi chính đáng của mẹ con bà Tứ sẽ phải khởi kiện ra Tòa án, nhưng dù cơ quan nào thụ lý giải quyết đi nữa thì câu chuyện này rất cần chính người thân của gia đình chồng bà Tứ suy nghĩ lại. Nếu ông Thảo và cháu Hiền không xấu số, chắc chắn lòng tham của ai đó sẽ không có cơ may trỗi dậy.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích