Khó cho ít người để cứu muôn người

Khi một bức ảnh được đến tay bạn đọc, hay một hình ảnh trên phim, nó phải tuân thủ nguyên tắc về chuyển động vật lý. Nói ngắn gọn để có bức hình “sống động”, trong 1 giây lưu vào mắt khán giả là phải có 24 chuyển động mới có được.

Khó cho ít người để cứu muôn người
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch để góp phần cùng Thành phố đẩy lùi đại dịch (Ảnh: TD)

Với ảnh, nó không chỉ “ghi” lại hình ảnh trung thực mà còn thể hiện tính nghệ thuật, thậm chí cả ý đồ chính trị của người chụp. Bức ảnh đẹp hay xấu quan trọng là góc chụp. Và góc chụp cũng thể hiện quan điểm của người chụp. Vì như một rừng cây, nếu người chụp yêu màu xanh, yêu thiên nhiên sẽ có góc chụp cánh rừng xanh ngát; nếu người chụp chọn chủ đề “biến đổi khí hậu”, sẽ tìm những góc chụp có những cây vàng khô lá để chứng minh, thời tiết đang diễn biến cực đoan.

Ngày hôm nay (6/9), các lực lượng chức năng bắt đầu thực thi kiểm soát đợt giãn cách thứ tư tại các trạm, chốt kiểm soát dịch nối “vùng đỏ” với các “vùng cam”, “vùng xanh”, đã xảy ra hiện tượng ùn cục bộ tại một số chốt. Trong đó, đa số diễn ra vào giờ cao điểm buổi sáng. Ngay sau đó lực lượng chức năng đã khắc phục, giải toả nhanh chóng.

Đáng tiếc những hình cảnh cục bộ này đã lan truyền với không ít ý kiến trái chiều về câu chuyện lập chốt, phân luồng giao thông. Nhìn chung đa số ý kiến đồng tình cách làm của Thành phố để nhanh chóng đẩy lùi đại dịch, song cũng có những ý kiến cho rằng, làm như thế là không khoa học, gây ra tình trạng ùn tắc thêm!

Trong cuộc sống khó có cái gì là hoàn thiện tuyệt đối, như câu ngạn ngữ “ngọc còn có vết”. Vì thế, xảy ra hiện tượng ách tắc cục bộ giờ đi làm tại một số chốt nằm trên các tuyến đường huyết mạch âu cũng là chuyện bình thường. Nhìn rộng ra có sự kiện nào mà lúc cao điểm không xảy ra sự cố ùn tắc, từ vào sân xem bóng đá, thậm chí xếp hàng dài chờ mua vé xem bộ phim hay?

Nói như vậy không có nghĩa là bao biện, mà để tìm sự tích cực trong cái chưa hoàn thiện để cải thiện cho hoàn thiện hơn. Điều cần nói thêm, hôm nay là ngày đầu tuần, chủ trương của Thành phố là chưa xử phạt nghiêm, mục đích là để những cơ quan, đơn vị trong hai ngày (6-7) xử lý những công việc cần ở cơ quan mình. Có lẽ chính điều đó khiến lượng người lưu thông trên đường và qua các chốt kiểm soát có thể nhiều hơn chăng? Dẫn đến ùn ứ trong thời gian ngắn vào giờ cao điểm.

Nhưng không vì thế mà nói cách làm của Hà Nội, của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong việc lập chốt, kiểm tra giấy tờ là không hợp lý. Bởi mục tiêu cuối cùng của hạn chế người ra đường cũng là để khoanh vùng, xét nghiệm, tìm và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm trả lại cuộc sống bình thường mới cho nhân dân mà thôi. Trong bối cảnh dịch bệnh, chẳng ai muốn ra đứng chốt và canh chốt. Nhưng vì sự bình yên cho cộng đồng, vì sức khỏe nhân dân, các chiến sĩ, dân phòng, tổ dân phố… phải “phơi mình” ngày đêm cắm chốt. Trong số đó, có biết bao người đã phải bỏ bữa cơm gia đình, bỏ chiếu giường ấm áp để chồn gối, mỏi chân làm nhiệm vụ. Thậm chí có người không may nhiễm Covid-19. Ở phạm trù này, chúng ta cũng nên có góc nhìn đồng cảm.

Hãy nhìn sang Nam Mỹ, đêm qua trận cầu kinh điển giữa tuyển Argentina và Brazil bất ngờ bị hủy. Lý do là bởi nhà chức trách Brazil cho rằng có đến 4 cầu thủ Argentina đang đá ở Anh nhưng khai báo gian dối để trốn cách ly 14 ngày. Barazil được biết đến là quốc gia chống dịch lỏng lẻo và cái giá đã phải trả quá đắt. Giờ thì đã phát hiện sự nguy hiểm và tàn khốc của dịch nên họ bắt đầu làm nghiêm. Và sự kiện các cầu thủ “trốn” khai báo y tế bị “mời” về nước là ví dụ sinh động.

Chốt kiểm tra, dăng dây, “vùng đỏ”, “vùng xanh”… đang được triển khai. Cách làm này có thể gây khó đối với một số người, nhưng trong bối cảnh đại dịch, khó cho một ít người chính là để cứu cả muôn người.

L.H

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích