“Bong bóng” bất động sản đã được dự báo từ năm 2016?
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, năm 2016, Bộ Xây dựng có một đề án trình Chính phủ, trong đó có dự báo đến 2023 có thể sẽ có “bong bóng” bất động sản và điều đó đã xảy ra.
“Bong bóng” bất động sản đã được dự báo trước
GS. TS Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay hoàn toàn khác so với tình trạng của thị trường bất động sản năm 2010-2012. Những ý kiến trên được ông Cường nêu ra tại hội nghị Hội nghị trực tuyến toàn quốc chủ đề tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra mới đây.
Giai đoạn trước là thời kỳ thị trường tồn kho do thừa cung bất động sản nên giá bất động sản giảm rất sâu nhưng hàng hóa bất động sản vẫn không bán được. Trái lại, hiện nay, thị trường bất động sản đình trệ nhưng giá các loại bất động sản có thể đưa vào sử dụng ngay như căn hộ chung cư giá vẫn tăng. Trên thị trường, hàng hóa để bán không có do lượng cung ở hầu khắp các phân khúc đều sụt giảm mạnh, giảm 50%, thậm chí có phân khúc gần bằng 0, theo báo cáo của Bộ Xây dựng.
Như vậy, theo ông Cường, thị trường đình trệ do thiếu nguồn cung bất động sản nhà ở, trong khi cầu về nhà ở vẫn có. Thị trường bất động sản công nghiệp vẫn phát triển tốt. Các luồng thu hút đầu tư đang tăng. Nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mở rộng nên dự báo cầu bất động sản sẽ sớm phục hồi và tăng nhanh.
Trong bối cảnh đó, nếu được tháo gỡ các nút thắt để tái lập nguồn cung thì thanh khoản của thị trường sẽ hồi phục trở lại. Nguồn lực bỏ ra để giải quyết các nút thắt của bất động sản sẽ nhanh chóng được hoàn trả.
Do vậy, giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản hiện nay được nhìn nhận rõ ràng hơn, mức độ rủi ro ít hơn nếu can thiệp kịp thời, nhưng nếu can thiệp quá muộn, hoặc Nhà nước không can thiệp sẽ sinh ra hiệu ứng domino là nguy cơ đổ vỡ cả nền kinh tế.
La liệt biệt thự, liền kề tại khu đô thị Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) bỏ hoang nhiều năm đang rao bán (Ảnh: Trần Kháng). |
Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia – cho biết, năm 2016, Bộ Xây dựng có một đề án trình Chính phủ, trong đó có dự báo đến 2023 có thể sẽ có “bong bóng” bất động sản và điều đó đã xảy ra.
Đề án này được xây dựng trên tình trạng khủng hoảng “bất động sản thừa” vào năm 2012. Còn tình trạng lần này chủ yếu là thiếu cung, thừa cầu.
Không thể để các nhà đầu cơ mua gom bất động sản để tích trữ
Ông Nghĩa cho rằng, đất đai là tài nguyên quý hiếm, nhà ở là nhu cầu thiết yếu. Do đó, chúng ta cần xây dựng chính sách bất động sản trên nền tảng này.
“Không thể để các nhà đầu cơ mua gom bất động sản, mua gom tài nguyên để tích trữ, biến đó thành lợi nhuận khổng lồ trong tương lai, trong khi nhu cầu của người dân không được đáp ứng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nhiều mảnh đất ở vùng ven Hà Nội thời gian qua được tách thửa nhằm phân lô bán nền, xong bỏ hoang (Ảnh: Trần Kháng). |
Vị chuyên gia này mong muốn Chính phủ tập trung vào các nền tảng bất động sản, thu gom tài nguyên trực tiếp và phát triển công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo.
“Chúng ta xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh, lâu dài và phải gắn với việc phát triển công nghiệp, đặc biệt gắn với nhu cầu thiết yếu của nhân dân”, ông Nghĩa nói thêm.
Về vấn đề pháp lý chiếm 70% những vướng mắc hiện nay, thực tế ngân hàng thương mại hiện nay có đầy đủ các chế tài phù hợp với quy định thực tế. Theo ông Nghĩa, thị trường tài chính này quan trọng nhất là lòng tin. Các doanh nghiệp phải bỏ thói quen kinh doanh chộp giật, thiếu chuyên nghiệp, chưa có tầm quốc tế.
“Tôi cũng xin có một vài ý kiến khác, một là bỏ cơ chế nhà ở xã hội mà xây dựng một cơ chế mới cho nhà ở cho người thu nhập thấp. Thứ hai là phải đánh thuế về đầu cơ nhà ở. Thứ 3 là chính quyền địa phương phải quyết định giá đền bù mặt bằng theo giá thị trường tại thời điểm đó…”, ông Nghĩa kiến nghị.
Nguồn: Báo xây dựng