Bỏ 130 triệu đồng để cải tạo căn nhà thuê
Căn nhà được làm mới giúp Thao Lê có thêm niềm vui trong công việc và cuộc sống. Cô đầu tư 130 triệu đồng để cải tạo, mua sắm nội thất cho không gian rộng 60 m2 của mình.
Phòng trọ 60 m2 được cải tạo để phù hợp với nhu cầu sống của hai người. |
Zing chia sẻ câu chuyện cải tạo nhà thuê của Thao Lê (24 tuổi). Cô hiện sinh sống, làm việc tự do tại TP.HCM.
Trước đây, tôi và bạn trai nghĩ rằng nhà trọ chỉ là nơi nghỉ ngơi sau một ngày làm việc. Bởi vậy, căn phòng của chúng tôi khá tạm bợ và không được quan tâm, đầu tư nhiều.
Bước ngoặt đến với tôi vào cuối năm 2022. Khi đó, tôi bất ngờ bị sa thải vì tình hình kinh doanh của công ty gặp khó khăn. Từ người làm công việc ổn định, tôi chuyển sang làm freelancer bấp bênh cả về thu nhập và khối lượng việc làm.
Điều này khiến tôi và nửa kia phải thay đổi mọi nếp sinh hoạt, nổi bật nhất là chuyển từ thói quen đến quán cà phê làm việc sang ở nhà fulltime.
Nguồn cảm hứng làm việc
Thời gian đầu, cả hai đều cảm thấy chật vật. Cảm hứng làm việc của chúng tôi luôn bế tắc vì không gian ngột ngạt, tạm bợ. Lâu dần, hai đứa rơi vào tình trạng chán nản, chất lượng công việc cũng giảm sút nhiều.
Không gian căn nhà trọ sáng và thoáng hơn nhờ phá vỡ tường ngăn. |
Được cô bạn thân khuyến khích, chúng tôi quyết tâm cải tạo nhà trọ để có cuộc sống tinh thần thoải mái và bình yên hơn.
Ban đầu, chủ nhà không đồng ý khi biết chúng tôi sẽ thay đổi kết cấu của căn nhà. Nhưng sau một thời gian thuyết phục, cả hai đã nhận được cái gật đầu của cô nhờ đảm bảo rằng sẽ khiến không gian đẹp hơn.
Để chuẩn bị cho dự án này, tôi và bạn trai dồn hết khoản tiền tiết kiệm, tổng cộng được 130 triệu đồng. Cả hai đều coi đây là một sự đầu tư, dù sau này có chuyển đi, chúng tôi vẫn vui vì đã có một cuộc sống chất lượng.
Với không gian mới, Thao Lê dành nhiều thời gian ở nhà và có cảm hứng làm việc hơn. |
Cải tạo nhà
Căn nhà trọ của tôi rộng 60 m2 và có 4 phòng sát nhau. Chúng tôi đập thông tường để còn lại 2 phòng lớn gồm một phòng làm việc và một phòng cá nhân kiêm tiếp khách.
Ngoài ra, chúng tôi sơn toàn bộ tường trắng để khiến không gian rộng hơn và dễ phối đồ nội thất, trang trí. Về phần sàn, hai đứa tiết kiệm chi phí bằng cách dùng xi măng để đổ sàn và dùng sàn nhựa giả gỗ.
Màu sắc hay đồ đạc của chúng tôi không theo phong cách nào cụ thể. Tiêu chí của chúng tôi chỉ đơn giản là kết hợp những gì mang đến cảm giác thân thuộc, thoải mái.
Một góc nhỏ được cả hai trang trí với những món đồ vintage. |
Chọn đồ đạc phù hợp với cả không gian và ngân sách là một thách thức lớn. Tôi nhớ hai đứa đã cùng đến rất nhiều cửa hàng trong thành phố để mua từng vật tư nhỏ nhất.
Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi mua đồ nội thất như sofa, bàn ghế từ nhiều nguồn khác nhau hoặc tự thiết kế và nhờ thợ đóng. Đối với đồ secondhand (đã qua sử dụng), cả hai cũng đến tận cửa hàng để cảm nhận và kiểm tra chất lượng, màu sắc.
Khoản đầu tư đắt giá và xứng đáng nhất trong công cuộc cải tạo này là những bức tranh. Hai đứa đều làm trong ngành sáng tạo nên yêu cầu về tranh khá khắt khe. Chúng tôi không muốn chỉ lấp đầy những bức tường, mà là tìm kiếm sự đồng điệu về tâm hồn.
Tranh canvas có sẵn, giá rẻ nhưng khá đại trà và không tạo được sự kết nối với người sở hữu. Còn các bức tranh độc bản lại có giá vượt quá ngân sách của chúng tôi, phong cách vẽ cũng thiên về tính cá nhân của tác giả.
Các bức tranh treo tường có số lượng giới hạn 20 ấn bản. |
Cuối cùng, hai đứa tìm đến những bức tranh được vẽ bởi các họa sĩ trẻ Việt Nam và có giới hạn số lượng ấn bản. Tôi đã đến trực tiếp cửa hàng, gặp gỡ tác giả và nghe chia sẻ về câu chuyện, nét vẽ của mỗi bức. Điều đó khiến tôi cảm thấy kết nối và gần gũi hơn với những tác phẩm mà mình sở hữu.
Dù chúng có giá hơi cao so với mặt bằng chung của thị trường, tôi vẫn thấy rất tâm đắc và tự hào vì tìm được những bức tranh có cảm xúc, đồng thời góp phần ủng hộ cộng đồng họa sĩ ở Việt Nam.
Góc làm việc tại nhà được Thao Lê bài trí đơn giản. |
Sau khi hoàn thiện công trình, thay đổi rõ rệt nhất là hai đứa cảm thấy tươi mới và bình yên hơn. Cảm giác tù túng, ngột ngạt đã biến mất, tình cảm và công việc từ đó cũng tiến triển theo.
Trước đây, sau khi thức dậy, chúng đều cố gắng rời khỏi nhà nhanh nhất có thể. Cả hai dành cả ngày ở bên ngoài, về đến nhà chỉ muốn đi ngủ nên không còn nhiều thời gian dành cho nhau.
Hiện tại, hai đứa dậy sớm hơn, dành thì giờ đọc sách và uống cà phê mỗi sáng. Trong lúc làm việc, nếu căng thẳng, chúng tôi sẽ tạm nghỉ và đi tưới cây, ngắm hoàng hôn hoặc thưởng tranh. Buổi tối là khoảng thời gian chuyện trò và ăn uống cùng nhau.
Còn những lúc chỉ có một mình, tôi thích thả mình trên sofa, nhìn vào bức tranh tạo cảm giác gần gũi nhất vào lúc đó để tự trò chuyện với chính mình.
Nguồn: Báo xây dựng