Nhiều chuyển biến trong công tác triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2012 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Nhiều chuyển biến trong công tác triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2012 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

MTĐT –  Thứ ba, 07/09/2021 15:57 (GMT+7)

Báo cáo cho biết, ngay sau khi Luật tài nguyên nước có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn bằng nhiều hình thức

tm-img-alt
Ảnh minh họa

UBND tỉnh Tây Ninh vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 gửi Bộ TN&MT.

Báo cáo cho biết, ngay sau khi Luật tài nguyên nước có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội thảo khoa học, báo cáo chuyên đề, tập huấn, xây dựng tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để triển khai đồng bộ nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên và nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác bảo vệ tài nguyên nước.
 
Trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành các văn như sau: Quyết định ủy quyền cho Sở TN&MT cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ, khôi phục và thu hồi giấy phép về lĩnh vực tài nguyên nước; Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch cấp nước vùng Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Quyết định phê duyệt dự án “Xác định cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn Tây Ninh” (năm 2020); Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc lĩnh vực tài nguyên  và môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (năm 2021);…

Triển khai các nhiệm vụ quy hoạch, điều tra cơ bản, thực hiện Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, UBND tỉnh Tây Ninh đã thực hiện và công nhận 03 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, bao gồm: (1) Đề tài “Biên hội loạt bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:50.000 và ứng dụng tin học trong quản lý nước dưới đất phục vụ cho quy hoạch khai thác tài nguyên nước tỉnh Tây Ninh”, trong đó kết quả nghiên cứu đã đánh giá được hiện trạng khai thác nước dưới đất thông qua các cơ sở dữ liệu về số công trình khai thác, lưu lượng khai thác, trữ lượng khai thác nước dưới đất. (2) Đề tài “Xây dựng mạng lưới quan trắc động thái nước dưới đất tỉnh Tây Ninh”, trong đó kết quả nghiên cứu đã xác định được thanh phần hóa học nước dưới đất giai đoạn 2011-2013 tại huyện Tân Châu, huyện Bến Cầu. (3) Đề tài “Nghiên cứu quy hoạch xây dựng mạng lưới quan trắc môi tường tỉnh Tây Ninh từ nay đến năm 2020”, trong đó kết quả nghiên cứu đã đánh giá được về chất lượng môi trường nước mặt, nước dưới đất và tình hình thực hiện công tác quan trắc môi trường của tỉnh Tây Ninh.
 
Về quy hoạch tài nguyên nước, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2587/QĐ-UBND ngày 21/10/2020 về việc phê duyệt dự toán kinh phí lập Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, có xây dựng phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 1137/QĐ-UBND ngày 5/6/2020 phê duyệt dự án “Xác định cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”, với tổng số danh mục nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ là 141 danh mục, chức năng chính của hành lang các nguồn nước này là bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước.
 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện dự án “Khoanh định, phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh”; ban hành 36 Quyết định phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; kiểm soát việc xả thải vào hệ thống sông, hồ, nguồn nước để đảm bảo cấp nước an toàn cho nhân dân.
 
Báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, hiện nay, toàn bộ các khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, các KCN đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom nước thải tập trung đạt chuẩn A theo quy định, lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục và truyền số liệu về Ban quản lý Khu Kinh tế; có 67 nhà máy chế biến khoai mì, 26 nhà máy chế biến mủ cao su, 04 nhà máy chế biến đường là các dự án có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường đều đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt cột A quy chuẩn quy định, có thực hiện tái sử dụng nước thải sau xử lý để phục vụ sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu nước thải ra môi trường; có 10/50 nhà máy xả nước thải có lưu lượng nước thải trên 1.000 m3/ngày đêm đã lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục và đang rà soát, bổ sung thiết bị kết nối, truyền số liệu về Sở TN&MT; các cơ sở còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện. Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành dự án thu gom và xử lý nước thải tập trung của thị trấn Dương Minh Châu, thanh phố Tây Ninh.
 
Tỉnh Tây Ninh đã thực hiện kế hoạch quan trắc chất lượng môi trường trong đó có quan trắc chất lượng môi trường nước mặt thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình quan trắc liên vùng sông Vàm Cỏ Đông, định kỳ gửi báo cáo kết quả quan trắc cho các tỉnh. Chất lượng môi trường nước mặt thuộc hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh tương đối tốt so với các năm trước.
 
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện đã cấp được 920 giấy phép về tài nguyên nước. Trong đó, có 03 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; 649 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; 195 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; 70 giấy phép thăm dò nước dưới đất và 03 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
 
Tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành 283 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền phê duyệt là hơn 38 tỷ đồng.
 
Từ năm 2013 đến nay, Sở TN&MT đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với 183 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân v phạm là gần 92 triệu đồng.
 
Tỉnh Tây Ninh hiện có 04 huyện (Bến Cầu, Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng) thuộc vùng khan hiếm nước nằm trong chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất. Theo đó, Liên đoàn Quy hoạch điều tra tài nguyên nước miền Nam đã khoan, điều tra, đánh giá trữ lượng và bàn giao 4 giếng khoan cho huyện Tân Biên và huyện Bến Cầu.
 
Hiện nay, tỉnh đang lập “Dự án xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050”, trong đó có nội dung cập nhật cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
 
Nhằm triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND phê duyệt quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa nước Tha La, huyện Tân Châu; Ban hành Quyết định số 1804/QĐ-UBND ngày 6/8/2021 Phê duyệt danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn, sụt, lún đất và sạt lở bờ, bãi sông trên địa bàn tỉnh.
 
 Báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, trong quá trình triể khai Luật tài nguyên nước 2012, trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc như: Kinh phí thực hiện trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng nước và phòng chống tác hại do nước gây ra còn hạn chế; hệ thống mạng quan trắc trên địa bàn tỉnh còn mỏng, số liệu còn hạn chế; công tác thống kê, kiểm kê tài nguyên nước trên phạm vi toàn quốc chưa thực hiện được dẫn đến công tác dự báo sớm tình hình hạn hán, thiếu nước, lũ lụt, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước còn khó khăn;….
 
Theo đó, UBND tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị Bộ TN&MT sớm triển khai thực hiện công tác thống kê, kiểm kê tài nguyên nước trên toàn quốc; xây dựng và vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước, cơ sở dữ liệu tích hợp chung cho cả vùng, cả nước; tang cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước; đẩy manh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và yêu cầu khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước;….

PV (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích