Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 16/2/2023
Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 16/2/2023
Theo dõi MTĐT trên
Tin tức Hà Nội mới nhất, nóng nhất hôm nay 16/2/2023, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất tại Hà Nội ngày 16/2 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.
Bí thư Hà Nội kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4-vùng Thủ đô
Ngày 16/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo đường Vành đai 4, đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra, khảo sát thực địa thi công tuyến đường Vành đai 4-vùng Thủ đô trên địa bàn các huyện Đan Phượng và Hoài Đức.
Tại khu vực triển khai dự án thuộc địa phận xã Hồng Hà (Đan Phượng), Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ân cần thăm hỏi người dân, nhất là những người phải di dời để có mặt bằng sạch thi công dự án; đồng thời đánh giá cao sự chỉ đạo, hành động quyết liệt của huyện Đan Phượng trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Đặc biệt, qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, người dân đã nhận thức đúng và rõ tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4-vùng Thủ đô nên đồng tình, thống nhất cao với chủ trương của Trung ương, thành phố và huyện. Nhiều hộ tự nguyện di dời nhà cửa phục vụ thi công dự án.
Đáng chú ý, do tập quán tại địa phương thường không di dời mộ vào đầu năm nên để kịp tiến độ dự án, các hộ dân có mộ nằm trong vùng dự án tự nguyện di dời từ trong năm, tạo mặt sạch phục vụ dự án.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông thành phố Hà Nội đã giao mốc giải phóng mặt bằng 6,3/6,3km chiều dài tuyến đường Vàng đai 4 qua địa phận huyện.
Tổng diện tích đất nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án là 74,8ha (trong đó 2,08ha đất ở của 141 hộ; 41,4ha đất nông nghiệp được giao của 1.311 hộ; 34,92ha đất công do Ủy ban Nhân dân xã quản lý).
Ủy ban Nhân dân huyện Đan Phượng đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tập trung hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng, thời gian xong trong quý 1/2023.
Dự kiến đến quý 2/2023, công tác ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án và tổ chức chi trả tiền đối với các hộ có đất bị thu hồi đạt 100%; hoàn thành giải phóng mặt bằng 2 dự án tái định cư và cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 4 dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang.
Sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã kiểm tra thực địa tại điểm quy tập mộ tại xã Hồng Hà (Đan Phượng) và hai xã Minh Khai, Đông La (Hoài Đức) để chỉ đạo kịp thời di chuyển các khu mộ rải rác thuộc phạm vi dự án về những địa điểm này.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cần vào cuộc quyết tâm, đồng bộ hơn nữa. Trong quá trình triển khai, phải tiên lượng các vấn đề có thể phát sinh, còn khó khăn, vướng mắc để đề ra phương án phù hợp, cần thiết; bảo đảm thông suốt, thuận lợi từ huyện đến các xã trong thực hiện đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh việc thực hiện dự án là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cũng là thước đo năng lực của mỗi tổ chức, người đứng đầu.
Hà Nội sẽ thông báo về cơ quan cán bộ, công chứcvi phạm nồng độ cồn
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký văn bản số 348/UBND-ĐT về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo nội dung văn bản này, thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “Đã uống rượu bia – không lái xe”, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội thành phố và nhân dân Thủ đô đã nghiêm túc triển khai, có các giải pháp đồng bộ và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo nhân dân; tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia đã giảm.
Tuy nhiên, số người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia vẫn còn nhiều, diễn ra tại nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Để công tác phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và đồng thuận, ủng hộ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Thành phố cũng chỉ đạo UBND cấp huyện chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với thanh tra giao thông vận tải, các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, làm việc với các cơ sở kinh doanh có điều kiện phát sinh vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn để phối hợp tuyên truyền, vận động khách chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; có biện pháp phù hợp để người đã sử dụng rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Hà Nội: Hàng nghìn tấn rác ùn ứ do người dân chặn bãi rác Xuân Sơn
Thông tin từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, hơn một tuần qua các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai bị ùn ứ rác do Khu Xử lý rác thải Xuân Sơn dừng tiếp nhận rác.
Riêng huyện Mỹ Đức đã được chuyển rác sang bãi rác Nam Sơn, hiện địa bàn huyện Thanh Oai vẫn ùn ứ vì chưa có phương án phân luồng. Một số huyện xử lý rác ở bãi rác Xuân Sơn như huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây… cũng xảy ra hiện tượng ùn ứ.
Theo sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ ngày 7/2/2023, khu xử lý rác thải Xuân Sơn (địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì) tạm dừng tiếp nhận, xử lý rác do một số hộ dân tập trung tại cổng khu xử lý rác thải, để kiến nghị một số chính sách liên quan đền bù giải phóng mặt bằng, di dời vùng ảnh hưởng bán kính 500m.
Để không ảnh hưởng đến việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của các huyện được phân luồng vận chuyển rác lên khu xử lý rác thải Xuân Sơn, sở Tài nguyên và Môi trường đã có thông báo phân luồng tạm thời rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện vận chuyển về khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).
Cụ thể, đối với 2 huyện Hoài Đức, Đan Phương thực hiện vận chuyển một phần rác thải (khoảng 100 tấn/ngày) về xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn của Hợp tác xã Thành Công.
Lượng rác thải tại Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây và khối lượng rác còn lại của huyện Hoài Đức, Đan Phượng (khoảng 693 tấn) vận chuyển lên Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các đơn vị vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện lập, đăng ký danh sách xe vận chuyển và bảo đảm vệ sinh phương tiện, không để phát tán mùi, nước rác ra môi trường trong quá trình vận chuyển.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm ngành Y tế
Sáng 15/2, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về tiến độ triển khai các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống y tế giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị Sở Y tế, các bệnh viện phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các công trình trọng điểm như: Bệnh viện Nhi Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, Bệnh viện Thận cơ sở 2… Đồng thời, cần nâng tầm một số lĩnh vực là thế mạnh của các bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Hà Nội như tim mạch, thận…, từ đó xây dựng những cơ sở này thành trung tâm khám, chữa bệnh ngang tầm khu vực và quốc tế để người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, trong quá trình triển khai, các đơn vị gặp khó khăn, đặc biệt là trong khâu giải phóng mặt bằng cần gửi kiến nghị thẳng lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Đơn vị này có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, gửi UBND thành phố để có phương án tháo gỡ.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội, tổng số dự án thuộc lĩnh vực y tế tại Nghị quyết số 37/NQ – HĐND ngày 10/12/2022 là 22 dự án; trong đó có 5 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016 – 2020, 7 dự án đã được phê chủ trương đầu tư và 10 dự án đang lập, trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, đại diện các đơn vị cho biết, khi triển khai các dự án trên gặp một số khó khăn như: vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; triển khai gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, di dời cơ sở khám chữa bệnh để nâng cấp song vẫn phải bảo đảm duy trì công tác khám, chữa bệnh cho người dân; việc tổ chức bộ máy, nhân sự khi đưa vào vận hành gặp khó khăn…
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
Gần 60.000 doanh nghiệp tại Hà Nội nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội
Tin tức trên Zing News, tổng số tiền nợ do doanh nghiệp chậm đóng các loại bảo hiểm đã vượt 1.500 tỷ đồng với thời gian nợ, chậm đóng dao động 1-182 tháng.
Theo số liệu đến hết tháng 1, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội ghi nhận gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Tổng số tiền nợ do chậm đóng các loại bảo hiểm vượt 1.500 tỷ đồng. Thời gian các doanh nghiệp nợ, chậm đóng dao động 1-182 tháng.
Một số doanh nghiệp tiêu biểu có số nợ bảo hiểm lớn là Công ty CP Vinhomes (22 tỷ đồng), Công ty CP Giao Hàng Tiết Kiệm (15,3 tỷ), Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi – Hanel (13,7 tỷ), Công ty TNHH Phần mềm FPT Hà Nội (7,4 tỷ), Công ty CP Kinh doanh F88 (4 tỷ)… Đây đều là những doanh nghiệp có số tháng nợ thấp và sở hữu lượng lao động lên đến hàng nghìn người.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có thời gian nợ bảo hiểm kéo dài trên 100 tháng là Công ty CP LILAMA3 (nợ 42,5 tỷ đồng qua 101 tháng), Công ty CP Khóa Minh Khai (nợ 12,7 tỷ đồng qua 105 tháng), Công ty CP Cơ Khí Xây Dựng 121 CIENCO1 (nợ 19,9 tỷ đồng qua 114 tháng)…
Hiện Công ty CP LISOHAKA là doanh nghiệp có thời gian nợ đóng bảo hiểm lâu nhất, lên tới 182 tháng với giá trị 6,9 tỷ đồng.
Khởi động dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch
Ngày 16/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) khởi động dự án Giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) trong lĩnh vực du lịch Việt Nam. Thời gian thực hiện từ tháng 1-2023 đến tháng 6-2024.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, ước tính, lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 khoảng 230.110 tấn. Trung bình, một ngày, mỗi khách du lịch thải ra môi trường 5-10 túi ni lông; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng 1 lần khác. Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài quý hiếm, vẻ đẹp cảnh quan, môi trường và qua đó ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Nhận thức được vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề xuất dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và được UNDP chấp thuận tài trợ thực hiện trong 2 năm 2023 và 2024.
Dự án gồm 3 hợp phần: truyền thông nâng cao nhận thức về giảm RTN trong lĩnh vực du lịch; thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu RTN tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu RTN trong ngành du lịch và ứng dụng (apps) quản lý RTN đối với doanh nghiệp du lịch.
T.Anh
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị