Kết nối cơ sở dữ liệu quản lý đất đai: Một mũi tên trúng nhiều đích

Sau hơn 6 năm triển khai Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (dự án VILG), bước đầu đã tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai các tỉnh lên cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và vận hành theo mô hình tập trung, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai cũng như thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quá trình triển khai dự án VILG ở nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, dù dự án đang vào giai đoạn “nước rút.”

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều khó khăn cần vượt qua

Với kỳ vọng xây dựng Hệ thống thông tin đất đai quốc gia, bảo đảm thực hiện cung cấp dịch vụ quản lý đất đai theo nhu cầu, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản hiệu quả, minh bạch – ngày 30/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án VILG, thực hiện từ năm 2017 đến hết năm 2021.

Tuy nhiên, do yêu cầu mới của công tác xây dựng hệ thống thông tin và trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dự án, ngày 20/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trên cơ sở đó gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2023.

Dự án VILG sử dụng vốn vay từ Ngân hàng thế giới, ban đầu có 33 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia, nhưng sau điều chỉnh, phạm vi dự án giảm xuống còn 30 địa phương. Đến ngày 9/2/2023, tiếp tục có 1 tỉnh đề nghị không tham gia dự án.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 2/2023 (tức sau hơn 6 năm triển khai), có 222/237 huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố tham gia dự án đã và đang triển khai công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; số còn lại 11/237 huyện chuyển đổi dữ liệu dự kiến ký hợp đồng trong quý 1/2023.

Về tiến độ hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh, ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương cho biết tính đến hết năm 2022, có 126/237 huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai với đầy đủ 4 thành phần (cơ sở dữ liệu địa chính, cơ sở dữ liệu thống kê kiểm kê đất đai, cơ sở dữ liệu quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và cơ sở dữ liệu giá đất).

Bên cạnh đó, có 210/237 huyện thuộc 29/30 tỉnh, thành phố tham gia dự án hoàn thành việc kết nối cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; 24/30 tỉnh, thành phố kết nối liên thông thuế điện tử; 18/30 tỉnh kết nối hệ thống 1 cửa điện tử…

Đánh giá về tiến độ triển khai dự án trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết sau một thời gian triển khai, bước đầu, dự án đã tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai các tỉnh lên cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và vận hành theo mô hình tập trung, thống nhất; kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từng bước chuyển đổi dịch vụ công đất đai từ trực tiếp sang trực tuyến.

Tuy vậy, ông Ngân cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong quá trình triển khai dự án cần khắc phục như: Công tác giải ngân còn thấp và khối lượng công việc cần phải thực hiện còn nhiều; quá trình triển khai dự án VILG gặp nhiều khó khăn do những điều chỉnh về cơ chế tài chính, lúng túng trong thực hiện các quy định của nhà tài trợ; năng lực của các Ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế.

Đẩy nhanh tiến độ, thống nhất trên toàn quốc

Để thúc đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, thống nhất trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm của dự án VILG ở Trung ương cũng như ở địa phương trong năm 2023 là phải tập trung nỗ lực để hoàn thành dự án theo đúng cam kết đạt được các mục tiêu đã đề ra; góp phần tích cực vào công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Với yêu cầu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia dự án tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo dự án hoàn thành đầy đủ các nội dung cần thực hiện; kết thúc đúng thời gian yêu cầu và đạt được mục tiêu của dự án mà Chính phủ đã phê duyệt; đảm bảo cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng đúng quy định và cập nhật, được chỉnh lý thường xuyên.

Bên cạnh đó, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần 2, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang đề xuất bổ sung quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; đề xuất bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được xây dựng thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và triển khai đồng bộ trong phạm vi cả nước, gồm các thành phần: cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; giá đất; thống kê, kiểm kê đất đai…

Theo ông Nguyễn Khắc Thế, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và Cơ sở dữ liệu đất đai (Cục Đăng ký đất đai), việc kết nối cơ sở dữ liệu đất đai trên sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện trong việc xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai đồng thời bảo đảm các nguồn lực cho chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai.

Riêng với thị trường bất động sản, khi cơ sở dữ liệu đất đai được chia sẻ và khai thác, người dân có thể truy cập tra cứu thông tin chính thống từ cơ quan quản lý; từ đó góp phần làm minh bạch, ổn định thị trường để phát triển bền vững hơn./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích