Quy định của WTO về rào cản kỹ thuật trong thương mại

Trong đó quan trọng nhất là rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế. Vì vậy, các quốc gia, các tổ chức đa quốc gia đã ban hành rất nhiều các quy định, cũng như tham gia ký kết các hiệp định song phương, đa phương về rào cản kỹ thuật trong thương mại. Trong số đó, thì hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại của GATT/WTO là quan trọng và có phạm vi hiệu lực lớn nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Việt Nam đã gia nhập WTO vào ngày 07/11/2006 và có tư cách thành viên đầy đủ của WTO kể từ ngày 11/01/2007 nên việc nghiên cứu các hiệp định sẽ giúp Việt Nam sử dụng hữu hiệu các qui định này bảo hộ thị trường nội địa, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu thông qua việc nâng cao khả năng vượt qua các rào cản.

1. Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại

Với mục đích thúc đẩy thương mại quốc tế, từ khi mới thành lập, GATT đã tổ chức các vòng đàm phán thương mại về các vấn đề giao dịch. Trong các vòng đàm phán đầu, trọng điểm thảo luận tập trung vào thuế suất. Nhưng từ vòng đàm phán Tokyo (1973-1979), do thực tế tình hình thương mại quốc tế đã xuất hiện những hình thức mới của rào cản thương mại nên các nước đã tập trung nghiên cứu về các cản trở không liên quan đến thuế suất, đó là các yêu cầu kỹ thuật mà hàng hoá phải đáp ứng trước khi nhập khẩu vào các quốc gia khác.

Năm 1979, 17 quốc gia đã ký Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại được gọi tắt là Điều lệ chuẩn của GATT và thoả thuận về các biện pháp vệ sinh và vệ sinh thực phẩm.

Hiệp định về rào cản kỹ thuật có hiệu lực từ 01/01/1980. Những quy định của Hiệp định này nhằm đảm bảo tính ổn định về chất lượng sản phẩm, giảm bớt hoạt động kiểm tra. Hiệp định đòi hỏi đảm bảo an toàn vệ sinh cho người, gia súc và cây cối, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo tạp chí Export quality số 44 tháng 3/1995 thì “Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế nhằm tạo ra những cơ cấu, những định chế trong các doanh nghiệp, trong các quốc gia, trong các khu vực nhằm giảm thiểu hoặc loại trừ dần rào cản kỹ thuật trong thương mại giữa các tổ chức”.

Hiệp định cũng cho phép sử dụng những rào cản kỹ thuật trong những trường hợp cần thiết. Trong phần đầu của Hiệp định có nêu rõ: “không một quốc gia nào bị ngăn cấm đưa ra những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ con người, động vật, cuộc sống hoặc sức khoẻ của thực vật, của môi trường hoặc không bị ngăn cấm đưa ra các biện pháp nhằm ngăn cản các hành động lừa bịp với mức độ phù hợp”.

Hiệp định quy định các nước thành viên phải đối xử một cách bình đẳng giữa các sản phẩm nhập khẩu và các sản phẩm nội địa hoặc sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ bất kỳ quốc gia nào khác. Điều 2.1 nêu rõ: “Các thành viên phải đảm bảo rằng theo các quy định kỹ thuật, các sản phẩm nhập khẩu từ một lãnh thổ của bất cứ Thành viên nào đều phải được đối xử không ít thuận lợi hơn các đối xử được áp dụng cho các sản phẩm nội địa tương tự và cho cho các sản phẩm tương tự xuất xứ từ bất cứ nước nào khác”.

Tuy nhiên, theo phụ lục 3 của Hiệp định, các nước thành viên phải đảm bảo rằng các quy định kỹ thuật được soạn thảo không nhằm mục đích tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật phải có cơ sở hợp pháp và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn có thể thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế hay mục tiêu khi ban hành chúng thay đổi. Các nước thành viên phải đảm bảo rằng các cơ quan tiêu chuẩn (cấp nhà nước, địa phương và phi chính phủ trong phạm vi lãnh thổ của mình cũng như các cơ quan tiêu chuẩn khu vực mà họ là thành viên) chấp nhận và tuân thủ quy phạm về biên soạn, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn

Hiệp định cũng nêu rõ quy trình đánh giá sự phù hợp theo nguyên tắc thủ tục do nước chủ nhà ban hành gồm các tổ chức chứng nhận của chính quyền địa phương, phi chính phủ, các tổ chức cấp vùng và cấp quốc tế. Quy trình đánh giá sự phù hợp cũng phải đảm bảo sự thuận lợi cho các sản phẩm nhập khẩu không kém so với các sản phẩm nội địa tương tự về mặt thời gian tiến hành hay chi phí đồng thời không gây ra sự bất tiện không cần thiết cho người đăng ký hay đại lý của họ.

Theo điều 6.1 qui định các thành viên phải đảm bảo rằng các kết quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp ở những thành viên khác sẽ được chấp nhận ngay kể cả khi các quy trình đó khác với các quy trình của chính mình.

Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại của WTO có quy định về việc cung cấp thông tin và trợ giúp giữa các thành viên. Theo Hiệp định, mỗi thành viên phải có một đầu mối liên lạc để trả lời các yêu cầu hợp lý từ các thành viên khác và các bên quan tâm cũng như cung cấp các tài liệu có liên quan. Đồng thời, tư vấn và trợ giúp kỹ thuật cho các thành viên khác khi có yêu cầu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển trong các lĩnh vực theo quy định của Hiệp định.

Hiệp định còn quy định những ưu đãi đặc biệt và khác biệt đối với các nước thành viên đang phát triển về nhu cầu phát triển, tài chính, thương mại cũng như trong quá trình soạn thảo, áp dụng các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn… Các nước thành viên đang phát triển có thể được Uỷ ban về rào cản kỹ thuật đối với thương mại dành cho những ngoại lệ trong việc thực hiện toàn bộ hay một phần nghĩa vụ của Hiệp định.

Hiệp định cũng thành lập một Uỷ ban về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại gồm đại diện của các thành viên để điều phối việc áp dụng rào cản kỹ thuật trong thương mại của các nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy việc phát triển kinh tế của các nước thành viên.

Hiệp định đưa ra các phương pháp để các bên bàn bạc và giải quyết khi có tranh chấp xảy ra dưới sự giám sát của cơ quan giải quyết tranh chấp.

2. Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật

Bên cạnh Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại, WTO đưa ra Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS – Sanitary and Phytosanitary Measures) để điều chỉnh việc áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật có ảnh hưởng tới thương mại của các nước.  Hiệp định này cho phép các nước thành viên sử dụng các biện pháp cần thiết liên quan đến vấn đề vệ sinh và kiểm dịch động vật để bảo vệ con người, động thực vật, môi trường của mình trong những trường hợp cần thiết với điều kiện các biện pháp này không được tạo nên một sự đối xử bất công bằng giữa các thành viên cũng như không được tạo ra các rào cản trá hình đối với thương mại quốc tế.

Hiệp định SPS cũng hướng tới việc thống nhất các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật của các thành viên. Do đó, Hiệp định quy định rõ các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật phải được dựa trên các tiêu chuẩn, những hướng dẫn và quy định quốc tế. Các nước thành viên không được ban hành và duy trì sử dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật nếu những biện pháp này tạo ra một sự bảo vệ lớn hơn về mặt vệ sinh so với sự bảo vệ mà các biện pháp phù hợp với các quy định quốc tế tạo ra, trừ khi có những chứng cứ khoa học đầy đủ.

Để tạo ra sự phù hợp giữa các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch được các nước thành viên sử dụng với các tiêu chuẩn, quy định quốc tế, các nước thành viên phải nỗ lực hết sức trong điều kiện có thể, phối hợp với các tổ chức quốc tế có liên quan để xây dựng cũng như thường xuyên xem xét lại các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan đến các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật.

Để ngăn cản các thành viên dùng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật cản trở thương mại quốc tế, Hiệp định SPS có quy định về việc đánh giá nguy cơ và mức độ bảo hộ vệ sinh hợp lý. Theo đó, các thành viên trong quá trình đánh giá nguy cơ và mức độ bảo hộ vệ sinh hợp lý phải sử dụng các công cụ đánh giá của các tổ chức quốc tế liên quan và phải tính đến các yếu tố như: các bằng chứng khoa học; phương pháp sản xuất và chế biến; kết quả giám định, phương pháp kiểm tra và lấy mẫu; các điều kiện môi trường và sinh thái; sự tồn tại của các vùng dịch bệnh hay các vùng miễn dịch…. Ngoài ra, các thành viên còn phải tính đến các yếu tố khác như: các yếu tố kinh tế, tính khả thi về mặt kỹ thuật. Đặc biệt khi gia nhập WTO, các nước cần chú ý giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với thương mại của các biện pháp bảo hộ.    

Hiệp định SPS cũng nêu rõ các thành viên phải đảm bảo các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật của mình phù hợp với đặc điểm vệ sinh và kiểm dịch động vật của khu vực xuất xứ của sản phẩm. Mặt khác, các nước thành viên phải đảm bảo tính minh bạch của các biện pháp mà mình áp dụng, công bố rộng rãi cho các thành viên khác về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật của mình cũng như những thay đổi của các biện pháp đó. Đồng thời, Hiệp định cũng quy định về sự hỗ trợ kỹ thuật giữa các nước thành viên, đặc biệt là cho các thành viên đang phát triển thông qua các hiệp định song phương hoặc trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tương tự Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại, Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật cũng có sự ưu đãi và đối xử đặc biệt đối với các nước thành viên đang phát triển. Ngoài ra, Hiệp định này cũng có các điều khoản về việc thực thi Hiệp định, điều khoản về tư vấn và giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các thành viên và thành lập một Uỷ ban về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật để điều hành việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định.

Có thể nói Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại và Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật của WTO là công cụ quan trọng góp phần vào việc hội nhập thị trường thế giới của các doanh nghiệp, các quốc gia dù ở trình độ phát triển khác nhau. Để vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau trong đó có việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế./.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích