Đắk Lắk thắt chặt công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
Đắk Lắk thắt chặt công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường
Theo dõi MTĐT trên
Tỉnh Đắk Lắk thắt chặt công tác quản lý trước những thách thức về xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Hiện nay, Toàn tỉnh Đắk Lắk có 1 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp đang hoạt động; có 166 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích đất 266,2 ha, đất đã cho doanh nghiệp thuê là 225,5 ha, tỷ lệ lấp đầy 76% diện tích. Tiềm năng của sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp là rất lớn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương.
Nhiều năm qua, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo tình trạng quá tải về việc xử lý môi trường, cấp thiết nhất là công tác xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường. Nhiều khu công nghiệp cũng chưa có đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại nên công tác bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn.
Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk cho biết, hiện Công ty đang đảm nhiệm công tác thu gom rác của khoảng 2/3 diện tích TP Buôn Ma Thuột. Công ty hiện sở hữu 01 công trình bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại xã Cư Ebur, TP Buôn Ma Thuột, diện tích 22ha, công suất 250 tấn/ngày đêm và 01 cơ sở xử lý chất thải rắn Hòa Phú cũng đang được quy hoạch và xây dựng trên diện tích 52ha, công suất 250 tấn/ngày đêm để đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và các vùng lân cận đến năm 2025.
Trung bình, mỗi ngày công ty thu gom khoảng 30.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có nhiều rác thải rắn, rác thải y tế được thu gom chung với rác thải sinh hoạt rồi đổ ra các bãi rác. Tỷ lệ chất thải rắn khu vực nội thị được xử lý (chôn lấp hợp vệ sinh) đạt 100%, trung bình mỗi ngày xử lý gần 285 tấn.
Bãi chứa rác thải hiện thời tại xã Cư Ebur, thành phố Buôn Ma Thuột nhận nhiều ý kiến về sự bất cập như: đây là bãi rác để mở, chưa được đảm bảo các quy trình kỹ thuật, phần lớn rác thải đều chưa được xử lý triệt để, nhiều loại rác còn cháy âm ỉ kể cả khi đã được chôn lấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và tài nguyên đất.
Tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương để Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chuyên đề “Điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý chất thải”, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể bố trí kinh phí để triển khai thực hiện.
Hiện nay chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh phát sinh trong quá trình sản xuất, chế biến được các đơn vị tự hợp đồng với đơn vị thu gom theo hình thức: đối với chất thải công nghiệp có thể tái chế hoặc sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho quy trình sản xuất khác thì được chuyển giao theo hợp đồng mua bán phế liệu; đối với chất thải không còn tính hữu ích (không còn khả năng tái chế, tái sử dụng) thì được chuyển giao cho đơn vị xử lý chất thải công nghiệp để xử lý.
Theo phương án đề xuất từ nhóm tư vấn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), việc hình thành Nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Phú sẽ đảm bảo các điều kiện về xử lý rác thải như: rác thải thực vật từ hộ gia đình và vườn cây của thành phố sẽ được chặt nhỏ; tái sử dụng từ 25 – 45% các vật liệu phá dỡ như bê tông, gạch, đá được nghiền nát và tái chế; các khu vực giữ chỗ cho tất cả rác thải tái chế để tối đa hóa khả năng phục hồi; các tác động của nước rỉ rác sẽ được giảm thiểu; khí bãi rác sẽ được thu gom và tận dụng cho công nghiệp…
Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành năm 2019 về Quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ 13 cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích 173 ha, 24 trạm trung chuyển chất thải rắn, 4 lò đốt chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên theo ước tính, tổng lượng chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đang cực kì lớn nhưng các cụm công nghiệp chưa xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, dẫn đến công tác quản lý, xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu. Cộng với việc trung bình mỗi ngày các khu công nghiệp thải ra môi trường khoảng trên 1.000 m3 nhưng hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp phải tự đầu tư công trình xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm có khả năng xảy ra.
Trước những thách thức trên, ngày 21/7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã ký kết ban hành Quyết định số 27/2022QĐ-UBND về Quy định quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, giao trách nhiệm cho các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh có liên quan nắm chắc nội dung, có kế hoạch để theo dõi, đồng hành, liên kết quản lý các nội dung trong phạm vi quản lý của đơn vị có liên quan đến chất thải công nghiệp, chất thải rắn công nghiệp thông thường.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao trách nhiệm cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk chủ trì, nghiên cứu, xây dựng và đề xuất UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trong công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý chất thải của các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp.
Giao cho Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý nước thải của các cụm công nghiệp.
Đồng thời giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp và các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường, tổ chức phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo quy định.
Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và vệ sinh môi trường tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống…; tổ chức triển khai thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình “Siêu thị không sử dụng túi nilon” và “Chợ không sử dụng túi nilon”…; hướng tới xây dựng một “thành phố xanh” trong tương lai, có khả năng ứng phó cao, giải quyết tác động của biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của đối tượng dân nghèo thành thị và xây dựng môi trường bền vững.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị