Đã có nhà ở quê, lên thành phố mua thêm nhà có bị đánh thuế BĐS thứ 2?
Chuyên gia lo ngại việc xác định đối tượng bị đánh thuế bất động sản thứ 2 nếu không dựa trên giá trị, quy mô bất động sản đó sẽ gây áp lực cho người có nhu cầu ở thực, dễ phát sinh chiêu trò né thuế.
Tránh tạo áp lực cho người có nhu cầu ở thực
Trên thực tế, để điều tiết thị trường bất động sản, Chính phủ phải sử dụng 4 nhóm công cụ như nhóm về thuế, nhóm về tín dụng, nhóm về quy hoạch, nhóm về chính sách…. Trong đó, công cụ đầu tiên và có hiệu quả rất lớn là nhóm công cụ về thuế. Bộ Tài chính đang dự định đánh thuế tài sản mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều.
Chính vì vậy, việc TPHCM đề xuất thí điểm thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên cũng đi đúng với dự định của Bộ Tài chính đã nêu ra suốt thời gian qua.
Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, sắc thuế đánh vào bất động sản thứ 2 sẽ có nhiều tác động tích cực. Trước hết, nếu đánh thuế cao thì nhiều người không dám tích trữ nhà, còn những người đầu cơ sẽ hạn chế đầu cơ. Đầu cơ giảm, giá bất động sản sẽ không bị đẩy lên cao, thị trường bớt đi một nguyên nhân gây ra “bong bóng” nhà đất.
Hay việc đánh thuế bất động sản thứ 2 sẽ định hướng những nhà đầu tư thứ cấp mua sỉ bán lẻ vào khuôn khổ đầu tư, phải thành lập doanh nghiệp. Từ đó, Nhà nước dễ quản lý hoạt động mua bán này hơn, giúp thị trường ngày càng minh bạch hơn.
Đánh thuế sở hữu bất động sản thứ 2 trở lên sẽ hạn chế được đầu cơ, bỏ hoang nguồn lực đất đai (Ảnh minh họa: Hà Phong). |
Theo chuyên gia bất động sản TS Trần Xuân Lượng (Đại học Kinh tế Quốc dân), việc đánh thuế bất động sản là điều cần thiết và là xu hướng chung trên thế giới, nhưng đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên cần tính theo giá trị và giá trị gia tăng.
Phân tích về bất động sản thứ 2 trở lên, ông Lượng bày tỏ, nhiều băn khoăn. Ông lấy ví dụ, nếu một người có bất động sản thứ 2, thứ 3 rất nhỏ, tính tổng diện tích cộng lại chỉ bằng 1/10 bất động sản thứ nhất của một người khác, vậy nếu chỉ căn cứ vào bất động sản thứ 2 trở lên mà không căn cứ vào giá trị của bất động sản đó để đánh thuế thì sẽ không hợp lý.
Ông Lượng cũng lo ngại, việc đánh thuế bất động sản không chuẩn sẽ gây áp lực cho người có nhu cầu ở thực. “Một người lao động, họ có nhà ở quê, nhưng khi lên thành phố làm ăn, họ mua thêm một căn nhà diện tích nhỏ để ở, sinh sống. Vậy, ngôi nhà ở trên thành phố có được coi là bất động sản thứ 2 không? Nếu được đánh thuế có hợp lý không?”, ông Lượng đặt vấn đề.
Theo ông Lượng, cần phải xây dựng lộ trình cụ thể về thời gian thực hiện việc đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên, có thể là trong 2-3 năm tới ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý đối tượng phải đóng thuế cũng cần được xây dựng một cách khoa học, từ đó mới xác định những người đó có sở hữu bất động sản thứ 2 hay không.
Muốn làm việc này, theo ông, cần có sự đồng bộ về dữ liệu quản lý đất đai, tham khảo mô hình ở các nước khác, quy định mỗi cá nhân được sở hữu bao nhiêu diện tích. Nếu vượt diện tích đó sẽ đánh thuế thế nào cho hợp lý.
Bên cạnh đó, ông Lượng cho rằng, việc đánh thuế cần được thực hiện trên giá trị gia tăng của bất động sản sau khi được giao dịch. Ví dụ, bất động sản đó được mua 1 tỷ đồng, nhưng khi bán được 1,5 tỷ đồng, thì Nhà nước đánh thuế vào giá trị gia tăng này.
Cẩn trọng phát sinh chiêu trò né thuế
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Ngọc Tú (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho rằng, đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên là bài toán cần phải xem xét và tính toán. Thực tế mục tiêu của đánh thuế này là để chúng ta hướng tới làm sao sử dụng tài sản có hiệu quả.
Cỏ mọc um tùm tại một căn biệt thự trị giá triệu đô ở khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) (Ảnh: Hà Phong). |
Vì thế, quan trọng không phải bất động sản thứ 2 hay thứ 3 mà là việc sử dụng căn nhà đó bao nhiêu m2. Nếu người dân dùng vượt khỏi mức bình thường cho phép thì xác định đánh thuế.
Do đó, theo vị chuyên gia này, cần thiết đánh thuế đối với diện tích đất sử dụng vượt mức bình quân cho phép. Như thế sẽ hợp lý hơn, đặc biệt đánh thuế cao đối với nhà đầu tư mua bất động sản không sử dụng, bỏ hoang.
“Cần phải có lộ trình và quy định cụ thể tránh phát sinh các chiêu đứng tên hộ để né thuế”, ông Tú nói thêm.
Vừa qua, trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội vừa được UBND TPHCM gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, địa phương này đã bổ sung và làm rõ cho đề xuất thu thuế bất động sản thứ 2. UBND TPHCM đưa ra 2 phương án để lựa chọn và áp dụng: Phương án thứ nhất, thành phố sẽ thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan quy định mức thuế, thuế suất, phương pháp tính và thời gian áp dụng. Phương án thứ hai, TPHCM sẽ áp dụng tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở trên địa bàn gồm lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên. |
Nguồn: Báo xây dựng