Hà Nội: Tăng cường thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập về lựa chọn giới tính thai nhi
Hà Nội: Tăng cường thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập về lựa chọn giới tính thai nhi
Theo dõi MTĐT trên
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 485/KH-SYT về việc triển khai thực hiện chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 1-2-2023 của UBND thành phố Hà Nội trong lĩnh vực y tế.
Tại kế hoạch này, ngành Y tế thành phố tập trung thực hiện 4 chỉ tiêu được thành phố giao và 2 chỉ tiêu phấn đấu của ngành.
Cụ thể, các chỉ tiêu thành phố giao, bao gồm: Giảm 0,1% tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước; giảm 0,1% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân so với năm trước; duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; duy trì chỉ tiêu tỷ lệ 100% chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Cùng với đó là 2 chỉ tiêu mà ngành phấn đấu thực hiện, gồm: Đạt 27,5 giường bệnh/vạn dân (gồm 20% số giường bệnh của bộ, ngành trên địa bàn thành phố); tỷ lệ 14,3 bác sĩ/vạn dân.
Riêng đối với công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện và triển khai các đề án, kế hoạch của UBND thành phố như: Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025; đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản năm 2030…
Bên cạnh đó, Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra ở các cấp bảo đảm thực hiện chính sách dân số ở địa bàn các quận, huyện, thị xã, đặc biệt là đối với các xã, phường, thị trấn có mức sinh còn cao. Mặt khác, tăng cường thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập về lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, pháp luật về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Trước đó, theo báo cáo của Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình Hà Nội, tính đến hết năm 2022, dân số trung bình đạt khoảng 8,4 triệu người (chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước). Ngoài ra, toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế, số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con. Đặc biệt, thành phố đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh; tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 ước đạt 112,0 trẻ trai/100 trẻ gái.
Dù vậy, Chi cục Dân số – Kế hoạch gia đình Hà Nội cho rằng, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tư tưởng muốn có con trai còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân. Cùng với đó là sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên nhiều gia đình đã thực hiện lựa chọn giới tính khi sinh dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ về mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nâng cao công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, chất lượng khám chữa bệnh
Ngoài ra, để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm (phát hiện sớm, kiểm soát kịp thời không để bùng phát thành dịch đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, xâm nhập; khống chế các loại bệnh dịch lưu hành).
Tăng cường hiểu biết, nâng cao ý thức của người dân, cán bộ y tế về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, từng bước tiến tới kiểm soát một số bệnh không lây nhiễm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến…
Về công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chuyên môn kỹ thuật, đa dạng hóa các loại hình chăm sóc và điều trị người bệnh. Phát triển kỹ thuật cao, xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển kỹ thuật chuyên sâu toàn thành phố, kỹ thuật tiên tiến tại các bệnh viện như: tim mạch, ung bướu, ngoại khoa, nội soi, sản phụ khoa, phẫu thuật tạo hình…
Củng cố và nâng cao năng lực các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, bổ sung nhân lực, trang thiết bị cho khoa cấp cứu, hồi sức tích cực đảm bảo công tác cấp cứu, hồi sức tích cực ngay tại bệnh viện. Liên tục cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ. Xây dựng, triển khai kế hoạch “báo động đỏ” nội viện. Đánh giá và công khai mức chất lượng xét nghiệm của phòng xét nghiệm y học theo Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/06/2017 của Bộ Y tế để thực hiện liên thông công nhận kết quả xét nghiệm giữa các phòng xét nghiệm cùng hạng trên địa bàn. Triển khai mô hình hỗ trợ chuyên môn tích cực giữa bệnh viện tuyến trên với bệnh viện, trung tâm y tế tuyến dưới.
Công tác y tế cơ sở, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát duy trì tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2023. Hoàn thành triển khai xây dựng trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế, quản lý có hiệu quả bệnh không lây nhiễm. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế…/.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị