Hướng tới phát triển ngành du lịch đường sắt, giảm khí thải tại châu Âu
Hướng tới phát triển ngành du lịch đường sắt, giảm khí thải tại châu Âu
Theo dõi MTĐT trên
Việc thúc đẩy du lịch đường sắt ngày càng được coi là cần thiết để giảm lượng khí thải carbon từ lĩnh vực giao thông vận tải.
Cơ quan đường sắt của Liên minh châu Âu (ERA) đang nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm hơn nữa các quy tắc riêng lẻ của từng quốc gia và điều chỉnh các Thông số kỹ thuật (TSI) để tạo ra sự đồng bộ hài hòa trên toàn tuyến đường sắt của Liên minh Châu Âu (EU).
Lợi ích của phát triển đường sắt
Theo ERA, với lượng phát thải khí nhà kính, mức tiêu thụ năng lượng và chi phí ít hơn so với đường bộ, đường sắt sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu của EU. Tuy nhiên, thị phần giao thông đường sắt châu Âu không gia tăng nhiều trong thập kỷ qua.
Carlo Borghini, người đứng đầu Shift2Rail, cơ quan EU chịu trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực đường sắt, nói với Euronews Next: “Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu khử cacbon và biến đổi khí hậu, đường sắt là công cụ để đạt được điều đó.”
Ngành đường sắt sẽ tự hào khi tính đến mức độ điện khí hóa cao của các chuyến tàu, so với các phương thức vận tải khác. Hiện, các chuyến tàu chỉ chịu trách nhiệm cho 0,5% lượng khí thải carbon trong EU.
Tuy nhiên, nếu châu Âu muốn cắt giảm lượng khí thải liên quan đến giao thông – chiếm khoảng 1/4 tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU – thì còn một chặng đường dài trong việc khuyến khích hành khách và vận chuyển hàng hóa từ máy bay xuống các ga tàu.
Tỷ trọng tương đối giữa người và hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt so với các phương thức vận tải khác thường chỉ ở mức khoảng 8% đối với hành khách và khoảng 16% đối với hàng hóa. Giao thông đường sắt quốc tế cũng chỉ có vai trò đáng kể đối với dịch vụ vận tải hàng hóa và chưa có sức nặng nhiều đối với dịch vụ hành khách. Tình trạng này hầu như không thay đổi kể từ năm 2006 và điều đó cho thấy rằng EU còn một chặng đường rất dài để đạt được tham vọng phát triển toàn diện hệ thống đường sắt.
Mục tiêu của EU đến năm 2030 là có 30% tổng lượng hàng hóa được vận chuyển bằng tàu hỏa, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào về việc này. Trong vài năm qua, thị phần đường sắt thậm chí còn giảm xuống. Theo báo cáo của tổ chức tham vấn McKinsey, tỷ trọng phương thức vận tải đường sắt châu Âu so với các phương thức khác tính đến đầu năm 2022 chỉ khoảng 15%.
Do đó, châu Âu nhận thấy cần phải hành động ngay lập tức để loại bỏ các rào cản đối với vận tải đường sắt xuyên biên giới – cả về hành khách và hàng hóa – để thúc đẩy sự tăng trưởng thị phần của đường sắt. Với tư cách là cơ quan có thẩm quyền của châu Âu, ERA hướng tới đề xuất giảm các quy định ở cấp quốc gia, cải thiện Thông số kỹ thuật về Khả năng tương tác (TSI), hỗ trợ về mặt quy định để cải thiện sự phối hợp xuyên biên giới và áp xúc tiến thực hiện nghiêm quy định chung của EU với tư cách là cơ quan có thẩm quyền cấp phép phương tiện, chứng nhận an toàn và phê duyệt hệ thống di chuyển ERTMS.
Hướng tiếp cận mới trong việc thúc đẩy ngành du lịch đường sắt
Tuy nhiên, chỉ 1 mình ERA sẽ không hiệu quả. ERA nhận thấy cần có một cách tiếp cận đa diện ở cấp độ khối để tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư có mục tiêu, tập trung vào các liên kết còn thiếu tại các cửa khẩu biên giới trên khắp châu Âu.
Báo cáo Tiềm năng Vận tải Đường sắt Xuyên biên giới của Cơ quan Đường sắt Liên minh Châu Âu (ERA) cũng chỉ ra rằng, mặc dù khả năng tương tác của hệ thống đường sắt EU đang được cải thiện, các rào cản kỹ thuật và vận hành xuyên biên giới vẫn cản trở sự liền mạch của các kết nối đường sắt quốc tế và quá trình chuyển đổi phương thức di chuyển sang đường sắt. Báo cáo này cũng đánh giá việc loại bỏ thêm các rào cản kỹ thuật và vận hành tại các đoạn xuyên biên giới châu Âu sẽ góp phần tạo nên sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt – điều sẽ giúp tiết kiệm thời gian đáng kể.
Họ đã tiến hành phân tích thực tế tại bốn đoạn đường sắt xuyên biên giới, hai đoạn dành cho hành khách và hai đoạn dành cho vận chuyển hàng hóa: Kết nối hành khách đường sắt Vienna (Áo) – Győr (Hungary); Đường sắt kết nối hành khách Berlin (Đức) và Kostrzyn (Ba Lan); Đường sắt vận chuyển hàng hóa qua biên giới đoạn Brennero (Italy) – Staatsgrenze nächst Steinach ở Tirol (Áo) và đường sắt hàng hóa qua biên giới đoạn Giurgiu Nord (Romania) – Ruse Razpredel (Bulgaria).
Dựa trên thực tế vận hành tại 4 đoạn đường sắt này, họ nhận ra một số rào cản kỹ thuật và vận hành đã cản trở lưu lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt quốc tế như: Các quy tắc quốc gia của các nước thành viên đang yêu cầu kiểm tra kỹ thuật và bắt buộc phải được thực hiện tại các trạm biên giới. Nhiều quốc gia cũng yêu cầu đoàn tàu đi qua nước họ phải được trang bị khả năng chuyển hướng tại các ga biên giới, ví dụ như yêu cầu toa xe cuối cùng của đoàn tàu phải được trang bị phanh tay.
Báo cáo cũng xác định khả năng tiết kiệm thời gian (có thể từ 50 phút đến 6 giờ) đối với vận tải đường sắt bằng cách giải quyết các vấn đề kỹ thuật và vận hành tại các cửa khẩu biên giới, khả năng giảm thời gian hành trình hiện tại, ví dụ đối với đoạn đường nối Vienna (Áo) – Győr (Hungary) là có thể giảm khoảng 10 – 15 phút.
Từ đó, các nhà nghiên cứu cũng kêu gọi cần tiến hành thêm các phân tích tập trung vào các khía cạnh cụ thể để đẩy nhanh quá trình cải thiện hệ thống đường sắt trên toàn châu Âu nhằm đáp ứng kịp thời mục tiêu cắt giảm khí thải của khối này.
Khi du lịch quốc tế phục hồi sau những hạn chế nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, hành khách sẽ yêu cầu nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết. Đối với nhiều người, ngành hàng không đang bị ảnh hưởng nặng nề, đang nỗ lực hướng tới các mục tiêu đầy tham vọng của riêng mình để giảm lượng khí thải carbon , vẫn sẽ đưa ra lựa chọn nhanh nhất và thuận tiện nhất. Nhưng để làm hài lòng những người cảm thấy hồi hộp khi nghe thấy tiếng còi chạy dọc đường ray, sẽ có thêm nhiều chuyến tàu đêm chạy vào sân ga.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị