Lần đầu Việt Nam xuất hiện cổ phiếu có giá vượt 1 triệu đồng
Bất chấp thị trường lao đao thủng mốc 1.050 điểm thì VNZ vẫn cặm cụi tăng trần phiên thứ 9, thiết lập kỷ lục là mã cổ phiếu đầu tiên ở Việt Nam vượt ngưỡng thị giá 1 triệu đồng.
VN-Index đã để thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.050 điểm trong phiên giao dịch sáng nay. Những cố gắng hồi phục đều bất thành, chỉ số tạm đóng cửa tại vùng giá thấp nhất phiên, đánh mất 9,89 điểm tương ứng 0,94% còn 1.045,41 điểm. VN30-Index giảm 11,1 điểm tương ứng 1,06% còn 1037,64 điểm.
HNX-Index cũng có diễn biến tương tự, giảm 3,15 điểm tương ứng 1,51% còn 205,34 điểm. UPCoM-Index vẫn neo lại được trên ngưỡng tham chiếu, tăng nhẹ 0,24 điểm tương ứng 0,31% lên 77,58 điểm.
Sắc đỏ xâm lấn thị trường với tổng số 590 mã giảm giá trên toàn thị trường, có 26 mã giảm sàn, trong khi chỉ có 146 mã tăng, 16 mã tăng trần.
Chứng khoán diễn biến bất lợi, hàng trăm cổ phiếu giảm giá (Ảnh minh họa: Hải Long). |
Thanh khoản đạt 299,94 triệu cổ phiếu trên HoSE tương ứng 4.489,86 tỷ đồng và 36,44 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 475,29 tỷ đồng. Con số này trên UPCoM là 11,33 triệu cổ phiếu tương ứng 147,38 tỷ đồng.
Thực tế là với lực cầu bắt đáy, nhiều mã cổ phiếu thoát sàn trong phiên sáng, nhất là tại nhóm bất động sản. Có thể kể đến DRH, HPX, DXG, DIG, CRE, HTN, song mức thiệt hại của những mã này vẫn lớn, khoảng 5,9% đến 6,8%. Một số mã khác như KHG, NVL, PTL, PDR vẫn kẹt lại ở mức giá sàn.
Nhiều cổ phiếu xây dựng và vật liệu cũng kịp thoát sàn trong phiên sáng là HBC, CIG, CTD, PTC, NHA. Hiện tại, các mã này vẫn đang giảm sâu: HBC giảm 6,9%; CIG giảm 5,5%; CTD giảm 4,9%; PTC giảm 3,7%; NHA giảm 3,5%.
Cổ phiếu ngân hàng không mấy thuận lợi khi phần lớn giảm giá. EIB giảm 6,5%, có lúc giảm sàn; OCB giảm 3,6%; VIB giảm 3,3%; MSB giảm 2,8%. Tương tự với cổ phiếu ngành dịch tài chính: IBC và VIX có lúc giảm sàn trước khi tạm đóng cửa với thiệt hại 6,3% và 5,7%. BCG giảm 5,8%; CTS giảm 4,8%; FTS giảm 4,3%; VND giảm 3,9%; BSI giảm 3,7%.
Phiên sáng nay, chỉ số không nhận được sự ủng hộ của những mã cổ phiếu lớn trong rổ VN30. Bên cạnh NVL và PDR giảm sàn thì VIB giảm 3,3%; VHM giảm 2,9%; GVR giảm 2,4%; HPG giảm 2,4%; SSI giảm 2,1%; VIC giảm 2%; VPB giảm 2%.
Trên sàn UPCoM, trong khi nhiều mã giảm sàn như SBR, ICC, XDH, CDP, DTI, CIP thì cũng chứng kiến loạt cổ phiếu tăng trần như HDW, MTV, XMD, VMT, BRR, STH, VFC. Điểm chung là các mã này đều có thanh khoản rất thấp.
Cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG gây sửng sốt khi tiếp tục tăng trần phiên thứ 9 liên tục lên 1.027.400 đồng với khối lượng khớp lệnh đạt 6.100 cổ phiếu. Hết phiên sáng, mã này vẫn đang tiết cung, không hề có dư bán và dư mua giá trần 3.600 cổ phiếu. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, VNZ trở thành mã cổ phiếu đầu tiên và duy nhất có thị giá vượt 1 triệu đồng.
Với biên độ sàn UPCoM rất rộng và thị giá cổ phiếu ở mức cao, phiên sáng nay, VNZ tăng giá tới 134.000 đồng/cổ phiếu.
Chỉ trong một tuần qua, VNZ đã tăng 101,1% giá trị và tăng 328,08% kể từ khi được giao dịch trên sàn UPCoM. Thanh khoản tại VNZ thường rất thấp, chỉ khoảng 100 cổ phiếu (tương ứng với 1 lô tối thiểu) nhưng phiên hôm nay, thanh khoản mã này đã tăng cao. Với thị giá hiện tại, vốn hóa thị trường của VNG đã tăng lên mức 29.523,4 tỷ đồng (tương đương mức định giá khoảng 1,25 tỷ USD).
Trước đó, VNG đã có văn bản giải trình về việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Theo đó, doanh nghiệp của đại gia Lê Hồng Minh cho biết, giá cổ phiếu tăng trần “hoàn toàn phụ thuộc vào cung – cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của các nhà đầu tư”, đồng thời khẳng định, công ty không có bất kỳ can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu thời gian qua và hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Nguồn: Báo xây dựng